Người mang hai án tử hình (phần 2)

1721
July 20, 2017
Phần 2: Kỷ vật của người anh hùng
Ngày 21/6/1948, Trần Bình và Nguyễn Văn Thuận bị thực dân Pháp đưa ra tòa án binh và đều bị kết án tử hình vì tội mưu sát Buốc - Ních, riêng Trần Bình nhận 2 án tử hình vì thêm tội giết Trương Đình Tri. Đúng đêm ngày 18 rạng ngày 19/5/1949, Bình và Thuận đang bàn nhau xem ngày mai nên tổ chức sinh nhật Bác ở trong tù sao cho thật long trọng, ý nghĩa thì nhận được lệnh ra pháp trường. Nguyễn Văn Thuận may mắn thoát được tội chết, còn Trần Bình thì có 2 bản án tử hình nên chúng không tha. 
 
 
Nhà tù Hỏa Lò, nơi thực dân Pháp giam giữ Trần Bình
 
Trước giờ bị đưa đi xử bắn, Trần Bình bình tĩnh nói với anh em bạn tù “Mình chỉ tiếc là chưa cống hiến được nhiều cho cách mạng” rồi thản nhiên cởi bộ quần áo thường mặc khi bị tra tấn đưa cho anh Nguyễn Văn Thuận  và nói: “Thuận ơi, cậu giữ bộ quần áo này mà mặc làm kỷ niệm để tiếp tục đấu tranh. Mình đi chết sẽ mặc quần áo mới cho đàng hoàng…”.
Mặc cho bọn Pháp và tay sai liên tục kiểm tra lục soát các phòng giam nhưng anh em bạn tù vẫn bí mật di chuyển, giữ được bộ quần áo của Trần Bình. Sau này, khi thoát khỏi nhà tù đế quốc, ông Nguyễn Văn Thuận tiếp tục lưu giữ bộ quần áo của liệt sỹ Trần Bình. Năm 1995, ông đã mang bộ quần áo từ Thành phố mang tên Bác tìm đến làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, Vũ Thư, Thái Bình, quê hương của Trần Bình trao lại bộ quần áo, một kỷ vật quý giá cho gia đình bà Trần Thị Bé, em ruột của liệt sỹ Trần Bình. 
 
 
Ông Trần Ngọc Doãn, em họ và là người lưu giữ 
những kỷ vật của Liệt sỹ Trần Bình 
 
Khi phải rời xa kỷ vật đã gắn bó với mình, ông Thuận nói trong nước mắt “Suốt mấy chục năm qua, lúc nào tôi cũng để bộ quần áo của anh Bình chung với hòm quần áo của tôi, mỗi khi mang nó ra ngắm, lại một lần nhớ thương anh Bình vô cùng, nay giao lại cho gia đình tôi nhớ lắm, bâng khuâng lắm…”.
Lại nói về Trần Bình, trước giờ ra pháp trường, anh vẫn bình thản, hiên ngang đón nhận cái chết. Khi cai ngục nói “Cha Lạc sẽ rửa tội cho anh!”, Trần Bình lắc đầu “Tôi không có tội và cũng không theo đạo của các ông”. Rồi anh yêu cầu được gặp riêng người bạn Nguyễn Văn Thuận trước khi chết. Anh ôm chặt người đồng chí của mình lần nữa rồi ung dung mặc áo tử tù, bình thản bước lên xe thẳng tiến ra pháp trường ở bên kia Cầu Đuống. Người chiến sỹ công an Trần Bình đã anh dũng hy sinh khi mới tròn 21 tuổi. 
Sau này, liệt sỹ Trần Bình vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Máu xương của người con quê lúa đã đổ xuống nơi trái tim của Tổ quốc, Trần Bình chính biểu tượng cho sự hy sinh cao cả, thầm lặng của những chiến sỹ công an nhân dân Việt Nam. 
 
 
Các em học sinh tới tham quan Bảo tàng Thái Bình
 
Giờ đây, bộ quần áo của anh hùng liệt sỹ Trần Bình đã được gia đình hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Thái Bình, vật báu thiêng liêng này trở thành tư liệu sống trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Tổng hợp và biên soạn
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...