Nữ anh hùng liệt sỹ Hoàng Ngân - Người hiến trọn tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc (phần 1)

3299
July 22, 2017
“Tôi làm cách mạng vì tôi yêu nước, tôi yêu dân tộc tôi, vì tôi căm thù đến cực độ những bóc lột tàn ác của các ông đối với nhân dân Việt Nam”.
Phần 1: Hoạt động cách mạng
Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân quê ở Nam Định, sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở phố Chavassieur (nay là phố Quang Trung, Hải Phòng). Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã được cha, mẹ cho nghỉ học sớm với lý do để cô con gái của họ không phải vất vả học hành. Gia đình Vân có cửa hàng bán cá lớn ở Chợ Sắt, Hải Phòng nên hàng ngày, chị ra chợ chỉ để giúp mẹ trông nom sổ sách, thu tiền còn lại không phải đụng đến công việc gì khác.
 
 
Phạm Thị Vân và hai người em khi còn niên thiếu
 
Sống trong nhung lụa và được gia đình nuông chiều, nhưng Phạm Thị Vân lại có cái nhìn mang tính thời cuộc. Trong thời gian bán hàng tại chợ Sắt, chị đã chăm chỉ đọc nhiều sách báo của Đảng cộng sản được lưu hành công khai. Thời kỳ này, hoạt động của các tổ chức ái hữu, nghiệp đoàn của công nhân, học sinh, tiểu thương, trí thức đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ diễn ra rầm rộ tại Hải Phòng, Phạm Thị  Vân đã được giác ngộ và tham gia hoạt động trong tổ chức Thanh niên dân chủ của thành phố.
Lấy lý do muốn tự chủ trong kinh doanh, Phạm Thị Vân xin phép bố, mẹ cho mở một cửa hàng bán gạo ở ngay trong chợ Sắt. Hàng ngày, cửa hàng bán gạo chính là địa điểm để chị và các thành viên trong tổ chức gặp gỡ, trao đổi và nhân rộng phong trào cách mạng.
 
 
Khu vực Chợ sắt Hải Phòng - Nơi Phạm Thị Vân được tiếp xúc 
và tham gia hoạt động cách mạng 
 
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Phạm Thị Vân đắm mình vào phong trào, chị trưởng thành nhanh chóng, trở thành một cán bộ xuất sắc và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi (1938). Ngày 30/5/1939, chị tham gia cuộc biểu tình của hơn 1 vạn người dân Hải Phòng phản đối chính sách đàn áp của nhà cầm quyền thực dân. Cuộc biểu tình bị đàn áp, hơn 200 người bị bắt và đưa ra tòa trong đó có Vân. Tuy nhiên, do không có chứng cứ để kết tội nên  chị và mọi người được trả tự do.
Tháng 01/1941, trong khi Phạm Thị Vân đang dự một cuộc họp quan trọng tại làng Vạn Phúc thì nhận được hiệu lệnh báo động khẩn cấp. Cuộc họp được lệnh giải tán và yêu cầu mọi người tản ra theo các hướng để tránh địch. Ra đến bến xe điện đầu thị xã Hà Đông, chị bị sa vào ổ đón lõng của bọn mật thám.
Ba tháng sau, Phạm Thị Vân bị đưa ra tòa trong một phiên xử công khai của Tòa án tỉnh Hà Đông. Đứng trước vành móng ngựa, trước câu hỏi thẩm vấn của quan tòa, chị dõng dạc tuyên bố: “Tôi làm cách mạng vì tôi yêu nước, tôi yêu dân tộc tôi, vì tôi căm thù đến cực độ những bóc lột tàn ác của các ông đối với nhân dân Việt Nam”. Kết thúc phiên tòa, thực dân Pháp kết án Phạm Thị Vân 12 năm tù, chuyển giam tại Nhà tù Hỏa Lò. 
 
                 
Phạm Thị Vân (ảnh do mật thám Pháp chụp năm 1941)
 
Trong tù, với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, Phạm Thị Vân được bầu vào tiểu ban công tác tư tưởng, bồi dưỡng chính trị cùng với các chị Nguyễn Thị Quang Thái, Trần Thị Sinh, Trương Thị Mỹ. Ngoài việc phổ biến tình hình thời cuộc, nắm các diễn biến tư tưởng để giải đáp kịp thời, bồi dưỡng các kiến thức phổ thông về chính trị, Phạm Thị Vân và các thành viên trong tiểu ban còn lo việc dạy học cho một số chị em chưa biết chữ; vận động chị em đấu tranh đòi được ra sân phơi nắng, không cắt tóc ngắn, không ăn gạo hẩm, cá thiu, định kỳ được nhận đồ tiếp tế từ gia đình. Thương cuộc sống khổ cực, thiếu thốn của chị em trong tù, chị viết thư gửi nhờ gia đình tiếp tiếp tế lương thực, thực phẩm và tiền thường xuyên để cải thiện cuộc sống chung cho toàn trại. 
 
 
             Phòng giam nữ tù nhân - Nhà tù Hỏa Lò
 
Tháng 3/1945, lợi dụng thời cơ Nhật đảo chính Pháp, công tác quản lý của quân Nhật trong nhà tù còn lỏng lẻo, chi bộ Hỏa Lò đã tổ chức cho tù nhân trốn thoát bằng nhiều hình thức như trèo tường, chui cống... Phạm Thị Vân cùng một số chị em đã trà trộn vào đám đông người nhà vào tiếp tế, thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò tiếp tục hoạt động cách mạng. (Còn tiếp)
                          
  Tổng hợp và biên soạn: Đào Thị Huệ
                              Ảnh: Dương Thanh Hùng
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...