Nữ anh hùng liệt sỹ Hoàng Ngân - Người hiến trọn tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc (phần 2)

2508
July 23, 2017
Phần 2: Tình yêu bất tử của Hoàng Ngân và Hoàng Văn Thụ
 
Tháng 9/1939, đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ, Phạm Thị Vân được rút lên cơ quan xứ ủy, cùng làm việc với anh Hoàng Văn Thụ. Chính trong thời gian cùng hoạt động, tình yêu của hai người đã nảy nở. Trái tim chị Vân thổn thức trước chàng trai thông minh trong ứng xử, sát sao, quyết đoán trong chỉ đạo. Anh Thụ cũng rung động trước người thiếu nữ xinh đẹp, nhanh nhẹn, mưu trí, dũng cảm; luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng giao.
Đầu xuân năm 1941, trong dịp đi công tác tại Móng Cái, được anh em cơ sở cho một con gà, chị Vân đùa nói: “Hôm nay là ngày gì mà mở tiệc thế này?” Anh Thụ cười nói: “Tiệc của chúng mình đấy”. Trong khi nói, anh đưa mắt nhìn chị một cách tình tứ. Còn chị thì ngoảnh mặt đi với vẻ thẹn thùng. Mọi người trong đoàn công tác không nói gì nhưng đều thầm hiểu hai người đã yêu nhau và trong thâm tâm đều công nhận đó là một tình yêu đẹp và rất xứng đáng.
 
Anh Hoàng Văn Thụ - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng,
 Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ
 
Một thời gian sau, anh Thụ đặt vấn đề muốn xây dựng hạnh phúc với chị Vân, mặc dù trong lòng đã nhất trí, nhưng chị cũng chỉ dám nói: “Em còn phải xin ý kiến gia đình, xin trả lời anh sau”. Anh Thụ liền liên lạc về Lạng Sơn, mời cha là ông giáo Hoàng Khải Lan xuống Hải Phòng thưa chuyện với ông Phạm Trung Long (cha của chị Vân) cho anh Thụ được làm con rể. Ông Phạm Trung Long thấy người thông gia nho nhã, tử tế, rất hợp với gia đình mình, nên đồng ý ngay. Ông Long cũng nhắc anh Thụ và chị Vân phải báo cáo để tổ chức công nhận tình cảm của hai người.
Trong ngày ăn hỏi, đính ước thiêng liêng đó, anh Thụ, chị Vân cũng chỉ gặp  gia đình đươc 30 phút rồi phải đi vì họ luôn bị mật thám Pháp theo dõi. Còn ông Hoàng Khải Lan, 12 tiếng đồng hồ sau cũng được ông Long mua vé tàu, đưa ra ga tàu hỏa ngược lên Lạng Sơn.
Trong thời gian chị Vân và anh Thụ bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, không được tâm tình nhiều, nhưng qua ánh mắt trao gửi, tình yêu đã tiếp thêm sức mạnh cho hai người để họ cùng tiếp tục vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống tù đày. Thương anh Thụ phải nằm trên sàn ximăng giá lạnh của xà lim tử hình, khi được người nhà tiếp tế cho chiếc áo len, chị tháo ra, đan thành chiếc áo len cao cổ gửi vào cho anh. 
Biết mình sắp bị thi hành án tử hình, anh Thụ đã gửi ra cho chị Vân một lá thư, động viên chị giữ gìn sức khỏe, thay anh tiếp tục đấu tranh và vững bước trên con đường cách mạng đã lựa chọn, đặc biệt trong thư có bài thơ “Nhắn bạn”:
“Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm
Chí còn theo dõi buổi tung hoành
Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu
Trước sau xin giữ tấm lòng thành”.
 
 
Anh Hoàng Văn Thụ hiên ngang ra pháp trường
 
Ngày 24/5/1944, thực dân Pháp đưa anh Hoàng Văn Thụ đi xử bắn tại Trường bắn Tương Mai - Hà Nội. Mặc dù đã chuẩn bị trước tinh thần, nhưng vì quá thương anh Thụ, chị Vân đã ngất xỉu, sức khỏe suy kiệt, đôi mắt mờ dần. Sau khi anh Thụ hy sinh, chị Vân xin tổ chức cho mình được ghép họ hai người thành tên Phạm Thị Hoàng Ngân (thường gọi là Hoàng Ngân) với mong muốn tình yêu và dũng khí cách mạng của hai người được ngân vang mãi mãi. 
  Tổng hợp và biên soạn: Đào Thị Huệ
                              Ảnh: Dương Thanh Hùng
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...