Người viết bản Quân lệnh số 1 (phần 1)

5831
September 01, 2017
Đồng chí Trần Huy Liệu sinh ngày 5/11/1901 trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Sớm được tiếp xúc và thấu hiểu cuộc sống khốn khó của người dân lao động, người thanh niên ấy đã luôn khao khát tìm cho mình một con đường lập thân. 
Từ năm 17 tuổi, Trần Huy Liệu đã làm thơ, viết báo. Những bài thơ, bài báo đầu tiên không chỉ thể hiện lòng yêu nước nước nồng nàn, mà qua đó còn xác định trách nhiệm đối với sự nghiệp giải phóng đất nước.
Với nhiệt huyết và quyết tâm làm báo của mình, cuối năm 1923, Trần Huy Liệu theo thầy Bùi Trịnh Khiêm - một nhà nho cấp tiến rời quê hương vào Sài Gòn. Sau một thời gian, Trần Huy Liệu đã nhanh chóng trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, làm chủ bút nhiều tờ báo. Với các bút danh Đẩu Nam, Côi Vị, Hải Khách v.v…, các bài viết của Trần Huy Liệu nổi tiếng về tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp, đòi quyền tự do, dân chủ, đòi quyền sống cho dân nghèo.
Vì các hoạt động yêu nước và chống thực dân Pháp, Trần Huy Liệu bị kẻ thù bắt và kết án đày ra Côn Ðảo. Trong nhà tù đế quốc, ông được giác ngộ về chủ nghĩa cộng sản qua sự tuyên truyền và qua những tấm gương dũng cảm, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản cùng bị giam giữ. Vì vậy, khi ra tù, ông tuyên bố ly khai Quốc dân Ðảng và tán thành chủ nghĩa cộng sản. Ông bị chính quyền thực dân trục xuất ra Bắc.
 
 
Đồng chí Trần Huy Liệu trước ngày rời Côn Đảo
 
Sau khi ra tù và bị trục xuất về Bắc, Trần Huy Liệu tiếp tục sự nghiệp báo chí. Năm 1936, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được Đảng phân công cùng đồng chí Trường Chinh, Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) người cũng vừa từ Nhà tù Côn Đảo trở về làm báo nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước của dân tộc và cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân.
Khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra hoạt động công khai và xuất bản tờ Tin tức, Trần Huy Liệu được giao trọng trách làm chủ bút. Cuối năm 1939, báo Đời nay bị đóng cửa, Trần Huy Liệu vẫn bám trụ tại tòa báo để chiến đấu. Đêm 29/9, mật thám đến vây bắt đồng chí tại trụ sở tòa soạn và đưa về giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Đầu năm 1940, bị tòa án xử, khép tội làm rối cuộc trị an, âm mưu lật đổ chính phủ. Trong tù, Trần Huy Liệu cùng các bạn tù luôn trao đổi thông tin, tìm cách biên tập và cất giấu các tài liệu huấn luyện cách mạng, tổ chức thu xếp đời sống cho anh em tù nhân, lên kế hoạch ăn Tết tại Hỏa Lò. Sau khi biết tin địch sẽ chuyển đi Nhà tù Sơn La, đồng chí cùng một số anh em đã nghiên cứu thảo luận, tổ chức các ban ngoại giao, tiếp tế, cứu tế, tuyên truyền và cùng phân công nhau phụ trách, chuẩn bị các tài liệu đã được dùng học tập, tuyên truyền trong Hỏa Lò để bí mật mang theo.
Sau sự kiện một số tù nhân Sơn La vượt ngục, Trần Huy Liệu và một số đồng chí bị chuyển về Nhà tù Bá Vân ở Nghĩa Lộ. Đầu năm 1945, đồng chí vượt ngục thành công sau đó được Đảng giao làm thư ký tòa soạn báo Cứu Quốc, Cơ quan của Tổng bộ Việt Minh. 
Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng được tiến hành từ ngày 13 đến 15/8/1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang), nhận định điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi. Hội nghị quyết định phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Đồng chí Trần Huy Liệu được Đại hội bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng và là tác giả bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa. Lệnh Tổng khởi nghĩa được phát đi vào đêm ngày 13/8 do đồng chí Võ Nguyên Giáp ủy quyền.
 
 
Bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa 
 
Trong hồi ký của mình, Trần Huy liệu viết: "Đêm 13/8/1945, trong một căn nhà lợp lá, tôi được đồng chí Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp) ủy quyền cho thảo bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa. Mặc dù ngồi dưới ngọn đèn tù mù, những con tầm xuân, con thiêu thân bay quanh tới tấp, muỗi và rĩn thi nhau đốt làm tôi nhiều lúc nẩy người lên hay đập chân bành bạch, tôi vẫn say sưa nghĩ đến cảnh nước mất, dân nhục từ hơn tám mươi năm, nghĩ đến sự nghiệp cách mạng của mấy thế kỷ qua; những cuộc khởi nghĩa của Văn thân, của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương”. Vì vậy bản “Quân lệnh số 1” lúc ấy tôi thảo một mạch, đọc đi đọc lại vẫn không sửa chữa một chữ nào. Viết xong tôi trao cho anh Văn… Thế là cuộc tổng khởi nghĩa đã phát động” .
Toàn văn bản Quân lệnh số 1:
Hỡi quân, dân toàn quốc! 12 giờ trưa ngày 13/8/1945, phát-xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật đã bị tan rã tại khắp các mặt trận. Kẻ thù chúng ta đã ngã gục. Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà! Mang nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn quốc cho đến toàn thắng, Ủy ban khởi nghĩa đã thành lập. Hỡi các tướng sĩ và đội viên Quân giải phóng Việt Nam! Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa các bạn hãy tập trung lực lượng, kíp đánh vào các đô thị và trong trận của quân địch; đánh chẹn các đường rút lui của chúng, tước võ khí của chúng! Đạp qua muôn trùng trở lực, các bạn hãy kiên quyết tiến! Hỡi nhân dân toàn quốc! Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo Quân giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù. Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn! Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!
 
Dương Thanh Hùng - Tổng hợp và biên soạn 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...