Tỏa sáng khí phách Việt Nam từ nơi tăm tối nhất (phần cuối)

1625
July 31, 2016
Kỳ III: Lan tỏa tinh thần yêu nước
Hòa bình lập lại, “phần lõi” của Nhà tù Hỏa Lò được bảo tồn, tôn tạo thành di tích lịch sử văn hóa. Trên diện tích hơn 2,3 nghìn mét vuông, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò hiện trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật quý, giới thiệu về quá trình hình thành nhà tù, về cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng bị bắt giam tại đây. Trại giam nam tù chính trị được phục chế như một phòng giam nguyên gốc với hình ảnh những chiến sĩ bị cùm chân, gầy guộc nhưng ánh mắt luôn thể hiện thần thái của người chiến sĩ cộng sản một lòng đấu tranh vì chân lý, vì lẽ phải. Khu ngục tối - nơi đồng chí Trường Chinh từng bị giam tái hiện cảnh các chiến sĩ bị giam trong điều kiện không ánh sáng, thiếu không khí, nằm trên sàn xi măng dốc về phần đầu, cao về phần chân. Khi ngồi, các đồng chí phải dùng tay để chống, khi nằm phải ngả đầu xuống thấp nên toàn bộ máu sẽ dồn lên não, vô cùng khó chịu và nguy hiểm. Cùng với khu trại giam nam, khu trại giam nữ cũng được tái hiện. 
 
 
Khu ngục tối (Cachot) - nơi thực dân Pháp từng giam cầm đồng chí Trường Chinh 
 
Thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò vào ngày 23-7-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghi cảm tưởng: “Thành kính tưởng nhớ các đồng chí và những nhà yêu nước đã bị địch giam giữ, tra tấn dã man ở chốn này! Kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ và tri ân những người yêu nước, những chiến sĩ cộng sản đã anh dũng hy sinh tại địa ngục trần gian này! Tổ quốc và nhân dân mãi mãi ghi nhớ công lao của các vị và các đồng chí!...”. Sau khi tham quan di tích, Bộ trưởng Bộ chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Back Jae Wan đã thốt lên: “Nơi đây thể hiện rõ ý chí của người bị giam cầm về chiến tranh và hòa bình. Tôi xin được bày tỏ lòng kính trọng với ý chí bất khuất của các chiến sĩ Việt Nam yêu nước”. Và Michel Stralovici- một người con của nước Pháp, nguyên phóng viên báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp đã khẳng định trong chuyến tham quan di tích vào năm 2014, rằng: “Buổi tham quan thật là cảm động, đã nhắc cho chúng tôi sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp xảy ra tại nơi đây. Cuộc gặp này với lịch sử đã nhắc cho chúng tôi thấy sống lại tinh thần anh dũng của các chiến sĩ đã tranh đấu cho nền độc lập và thống nhất đất nước”…
 
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dâng hương và tham quan di tích ngày 23/7/2014
 
Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò mở cửa phục vụ khách tham quan tất cả các ngày trong năm. Trung bình mỗi năm, di tích đón hơn 220 nghìn lượt khách tới tham quan, học tập, nghiên cứu, trong đó có khoảng 70% là khách nước ngoài. Ngoài các phòng trưng bày thường xuyên, đội ngũ cán bộ của di tích không ngừng nghiên cứu, sưu tầm hình ảnh, tư liệu, hiện vật về các chiến sĩ từng bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò để thực hiện các trưng bày chuyên đề; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di tích và tổ chức trưng bày lưu động giới thiệu về di tích đến với đồng bào, chiến sĩ cả nước. Điều đó đồng nghĩa với việc lòng yêu nước, tinh thần, ý chí chiến đấu và tấm lòng nhân đạo cao cả của người Việt Nam sẽ được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và lan tỏa ra thế giới.
 
 
Hiện nay di tích Nhà tù Hoả Lò thu hút rất nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế 
 
Hà Hiền - Báo Hà Nội mới
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...