Học văn học qua tư liệu tại di tích Hỏa Lò

3491
September 24, 2017
Ngày nay, việc học tập của học sinh không chỉ bó gọn trong những giờ lên lớp tại giảng đường. Việc học môn Ngữ Văn của thày và trò trường PTTH Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) trở nên sôi nổi, hào hứng hơn khi các cô, cậu học trò được tìm hiểu về mảng văn học được các chiến sỹ cách mạng sáng tác trong Nhà tù Hỏa Lò.
 
Thơ, văn Việt Nam từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, nhưng không phải cô, cậu học trò nào cũng biết có một mảng văn học, thơ ca ra đời ngay trong các nhà tù thực dân, đế quốc mà tác giả chính là những nhà yêu nước, chiến sỹ tham gia cách mạng giam giữ tại đây. Chính bởi lẽ đó, ngoài giờ học trên lớp, giáo viên tổ Văn và học sinh khối 12 trường PTTH Thạch Bàn đã lựa chọn Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò làm địa điểm để trải nghiệm, tìm hiểu về những tác phẩm thơ, văn được sáng tác trong “ngục lửa”. 
 
 
Giáo viên và đại diện học sinh khối 12 thành kính dâng hương 
tại Đài Tưởng niệm
 
Đây là một chương trình mới được triển khai giữa Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò và trường PTTH Thạch Bàn với mục đích “Xây dựng những giá trị cốt lõi cho học sinh”. Đến với di tích, các em được tìm hiểu về cách người tù tổ chức học tập, sáng tác và cho ra đời những tác phẩm văn, thơ ngay trong chốn tù ngục tưởng chừng như chỉ có gian khổ. 
 
 
Học sinh chăm chú nghe thuyết minh viên giới thiệu về 
quy mô, kiến trúc Nhà tù Hỏa Lò
 
 
Quan sát và chăm chú lắng nghe câu chuyện về cổng chính
 
Qua lời kể của thuyết minh viên, những giờ phút trải nghiệm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực sự bổ ích, giúp các em hiểu được nhà tù đế quốc với gông cùm, xiềng xích, tra tấn, nhưng tất cả những điều đó chẳng thể khuất phục được ý chí của những người yêu nước, khát khao tự do vẫn luôn là dòng chảy mãnh liệt trong họ.
 
 
Chăm chú xem phim tư liệu về phi công Mỹ
 
Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trường Chinh trong thời kỳ bị giam tại Hỏa Lò đã bày tỏ: Thích thơ và biết làm thơ từ lâu được khẳng định bằng những vần thơ cách mạng mạnh mẽ:
Gang kia đã luyện nên thành thép
Thép có tôi rồi mới rắn thêm.
Cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy thể hiện bản lĩnh của người cộng sản: đòi roi, chế độ giam giữ, sinh hoạt đọa đày của ngục tù chẳng thể ngăn cản được lòng yêu nước mãnh liệt:
Đế quốc tù ta, ta chẳng tù
Ta còn bộ óc ta không lo
Giam người khóa cả tay chân lại
Chẳng thể ngăn ta nghĩ tự do
Có lẽ, nếu không tới “địa ngục” Hỏa Lò, thì học sinh chẳng thể hiểu được, giữa sự sống và cái chết, những chiến sỹ yêu nước Việt Nam lại bình thản nhắn nhủ tới gia đình, đồng đội những vần thơ đầy lạc quan đến vậy!
Những ngày cuối đời trong xà lim án chém, anh Nguyễn Đức Cảnh viết Tạ từ gửi về tặng mẹ kính yêu:
Ngổn ngang trăm mối tơ lòng
Xông pha dông tố chi mong độ về...
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân chưa dễ đền nghìn trời mây!
Tạ từ vĩnh quyết từ nay
Cúi xin từ mẫu chóng khuây nỗi buồn.
Anh Hoàng Văn Thụ gửi trọn tâm nguyện của mình tới người bạn đời đã đính ước và đồng đội của mình qua lời Nhắn bạn: 
Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.
Lời thơ mộc mạc, giản dị nhưng thật đanh thép như chính bản lĩnh của những chiến sỹ cộng sản: trong mọi hoàn cảnh vẫn luôn giữ vững niềm tin, sống và chiến đấu vì lý tưởng cách mạng.
 
 
Học sinh viết bài thu hoạch sau buổi học tập thực tế
 
Khép lại chuyến tham quan, em Phạm Minh Tú, học sinh lớp 12A10 đã chia sẻ những dòng suy nghĩ đầy cảm xúc: “Em cảm thấy thật may mắn  khi được tham gia buổi tham quan, học tập tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Chắc chắn, những thông tin tiếp nhận được sẽ giúp em tăng thêm tình yêu với môn Ngữ văn, hiểu thêm về mảng văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến. Đồng thời, giúp em thêm trân trọng giá trị của hai tiếng “độc lập” mà chúng em được hưởng ngày hôm nay”.
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Tổ trưởng tổ Văn trường PTTH Thạch Bàn chia sẻ: “Tôi cảm nhận thấy rõ sự hiệu quả khi các em chăm chú lắng nghe thuyết minh viên giới thiệu và thể hiện cảm xúc của mình sau chuyến tham quan bằng những bài viết thu hoạch. Học tập ngoại khóa tại di tích, mở ra một hình thức mới trong phương pháp giảng dạy của giáo viên nhà trường”.
Học tập đối với học sinh sẽ luôn là niềm say mê, hấp dẫn nếu như có những phương pháp và hình thức lôi cuốn. Việc kết hợp giữa nhà trường và di tích để tổ chức những tiết học ngoại khóa không chỉ củng cố thêm nhiều kiến thức cho học sinh mà còn giúp bồi đắp lòng tự hào dân tộc, trân trọng những giá trị lịch sử tốt đẹp.
 
                            Phạm Thị Hoàng My, phòng Giáo dục truyền thông
                                    Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...