Những ký ức ấm áp của một cựu phi công Mỹ

1906
September 29, 2017
Trung tá Hải quân Edison W. Miller sinh năm 1930 tại thành phố New York, ông chính thức tham gia Hải quân Hoa Kỳ ngày 06/02/1962. Khi thực hiện nhiệm vụ ném bom miền Bắc Việt Nam, máy bay F-4 Phantom do Edison W. Miller điều khiển đã bị bắn rơi ngày 13/10/1967. Trong suốt 5 năm, 4 tháng sống trong các trại giam ở miền Bắc Việt Nam trong đó có Trại giam Hỏa Lò, Edison W. Miller là một trong số phi công Mỹ công khai phản đối sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam khi tiếp xúc với các nhà báo quốc tế và các tổ chức nhân đạo. 
 
 
Edison W. Miller khi mới gia nhập Hải quân Hoa Kỳ, năm 1949
 
Đại tá Lưu Văn Hợp, người trực tiếp quản lý Trung tá Hải quân Edison W. Miller khi sống ở Trại giam Hỏa Lò từ cuối năm 1970 đến khi được trao trả đã có những trao đổi về Miller: “Trong Trại giam Hỏa Lò, Edison W. Miller là một người hiền lành, hay cười, có sở thích viết văn, ham tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Tích cực tham gia các buổi phỏng vấn của báo giới quốc tế về vấn đề chiến tranh của Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Ngoài ra còn khuyên nhủ các phi công khác chấp hành tốt nội quy của Trại; nhận thức tốt về chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đối xử với phi công Mỹ”.
 
 
Từ trái sang: Phi công Robert Schweitzer, Edison W. Miller, Walter Eugene Wilber
tham gia cuộc phỏng vấn của nhà báo quốc tế, năm 1970
 
Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ tiến hành trao trả nhân viên quân sự, thường dân nước ngoài và nhân viên dân sự bị hai bên giam giữ. Ngày 12/02/1973, Edison W. Miller cùng nhiều phi công Mỹ khác được trao trả đợt đầu tiên tại Sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Tháng 11/1974, Edison W. Miller rời quân ngũ. Sau đó, ông theo học trường luật và có bằng luật sư chỉ trong vòng hơn một năm nỗ lực học tập.
 
 
Trung tá Hải quân Edison W. Miller (ở giữa) tại sân bay bang California
sau khi được trao trả, tháng 02/1973
 
Trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại của Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhờ sự kết nối của ông Thomas Eugene Wilber (con trai cựu phi công Walter Eugene Wilber), Edison W. Miller lúc này ở độ tuổi 87 đã có những chia sẻ cởi mở: “Trong suốt cuộc đời tôi, tôi chưa bao giờ ghét ai, ghét điều gì. Tôi không muốn đến bất cứ quốc gia nào để gây chiến. Tôi thấy rằng tôi chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình. Tôi ra nhập quân đội và tôi làm các nhiệm vụ theo lệnh của chỉ huy, nhưng đi kèm theo nó tôi không để cảm xúc của mình tác động... Tôi nhận được lệnh sang Việt Nam với một phái đoàn để khảo sát Đông Dương, xem chúng tôi có thực sự cần đến chiến tranh. Nhưng vào phút chót, họ đã hủy chuyến đi và cử tôi tới Thủ đô Washington nhận nhiệm vụ tại cơ quan tình báo. Tôi chắc chắn rằng nếu tôi sang Việt Nam, tôi sẽ nói với họ rằng chúng ta không cần tới chiến tranh. Tôi nhận thấy rằng Hồ Chí Minh đã sống ở New York trong 2 năm và ông ấy có thể nói chuyện với chúng ta”.
Khi được hỏi về thời gian sống ở Trại giam Hỏa Lò Miller chia sẻ: “Tôi không gặp vấn đề gì cả. Tôi biết đất nước các bạn còn nghèo, và tôi thường được ăn súp rau vào buổi sáng. Vào buổi chiều, họ cũng không làm tôi bất ngờ khi đưa tôi 1 bát súp. Vào một lần, một quản giáo Việt Nam nói chuyện với tôi và tôi đã hỏi: “Có phải Việt Nam là nước nhiệt đới không?”, họ trả lời: “Đúng thế”, tôi tiếp tục hỏi: “Các bạn có các loại rau gia vị không?”, họ lại trả lời: “Có”. Tôi hỏi họ có thể cho thêm rau gia vị vào súp không, để món súp thêm hấp dẫn. Họ nói lần sau họ sẽ làm vậy và tôi thấy thật tuyệt khi họ làm như vậy”
 
 
Trung tá Edison W. Miller (phải) và Trung tá Robert Schweitzer 
chơi bóng chuyền trong sân trại giam, năm 1970 
 
"Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi họ cho mỗi người chúng tôi 3 điếu thuốc lá 1 ngày. Tôi đã không hút thuốc trong vòng 2 năm, và giờ họ cho tôi thuốc lá. Mỗi buổi sáng có 4 người đến phát thuốc lá cho chúng tôi, và tôi thích khoảng thời gian 3 lần 1 ngày khi được hút thuốc. Vào một hôm tôi nghe được một người Mỹ trẻ tuổi đã hỏi xin thêm thuốc lá, tôi đã nói với anh ta đừng xin thêm và có thể lấy thuốc của tôi để hút... Tôi thường bảo mọi người trong trại tập thể dục và tôi cũng  tập thể dục hàng ngày. Tôi đi bộ trong phòng giam 400 vòng 1 ngày để đỡ đau lưng. Tôi bị thương ở lưng, và tôi nghĩ tập thể dục sẽ giúp tôi hồi phục tốt hơn...”
Những chia sẻ chân thành từ một cựu phi công Mỹ một lần nữa đã khẳng định sự bao dung, chân thành của các cán bộ làm công tác quản lý phi công Mỹ đã để lại những ký ức ấm áp trong mỗi phi công Mỹ từng là “khách” tại “Hilton - Hà Nội”.
Lại Thị Minh Thu, Phòng Giáo dục - Truyền thông
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...