Ký ức tháng Mười (phần 1)

2070
October 08, 2017
Cách đây 63 năm, vào ngày 10/10/1954, từ năm cửa ô, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam tiến về để giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Hơn sáu thập kỷ đã qua đi nhưng ký ức về những ngày tháng 10 lịch sử ấy còn mãi khắc ghi trong tâm trí của ông Lê Văn Ba (Trần Khắc Cần), nguyên cán bộ Thành đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội.
 
Ngay từ khi còn là học sinh trường Chu Văn An, ông Lê Văn Ba (Trần Khắc Cần) đã tham gia những hoạt động sôi nổi của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội như: rải truyền đơn, tổ chức bãi khóa phản đối việc bắt bớ học sinh, tổ chức lễ truy điệu học sinh Trần Văn Ơn bị kẻ địch sát hại trên đường phố Sài Gòn…
 
Ông Lê Văn Ba (Trần Khắc Cần)
 
Năm 18 tuổi (1952), ông được giao nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng trong học sinh và tổ chức in báo Nhựa Sống (cơ quan tranh đấu của Đoàn Học sinh kháng chiến Hà Nội). Nội dung báo kêu gọi các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên đoàn kết, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh của sinh viên thế giới. Ngoài ra, báo còn đăng phóng sự, tùy bút, thơ ca, bài viết về những ngày kỷ niệm của đất nước.
 
Báo Nhựa Sống
 
Cuối năm 1952, ông bị thực dân Pháp bắt ở số nhà 98A, phố Hàng Bông, Hà Nội. Sau hai tháng chịu đựng những đòn tra tấn ở Sở Mật thám Hà Nội, ông bị chuyển giam tại Nhà tù Hỏa Lò. 
Mang số tù 2056, ông bị giam tại trại O cùng với nhiều tù chính trị khác. Vượt lên cảnh tù đày, ông tiếp tục rèn luyện mình, học hỏi kinh nghiệm của anh, chị bị giam trước để cùng tham gia tổ chức cuộc sống tập thể sôi động trong nhà tù. 
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, các lớp học được tổ chức để góp phần nâng cao trình độ hiểu biết, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa các tù nhân. Do có trình độ nên ông được cử tham gia dạy văn hóa cho nhiều tù nhân khác. 
 
Trại giam O, Nhà tù Hỏa Lò
 
Không có dụng cụ học tập, ông và các bạn tù khắc phục khó khăn bằng cách viết lên sàn xi măng, vỏ bao thuốc lá; bút viết là than củi, phấn trắng, gạch non; mực viết là thuốc đỏ xin từ trạm xá. Điều lệ nhà tù cấm tù nhân tụ tập, do đó các lớp học thường được tổ chức vào buổi tối sau giờ đóng cửa trại.
Tháng 8/1953, ông được tại ngoại hậu cứu (tạm tha chờ ngày xét xử). Sau khi ra vùng tự do tham dự chỉnh huấn, ông được bố trí trở lại hoạt động tại nội thành Hà Nội. 
Tháng 2/1954, ông Lê Văn Ba được Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội giao nhiệm vụ tham gia biên tập, in báo Tiền Phong (tiền thân là báo Nhựa Sống) - cơ quan tranh đấu của nam, nữ thanh niên Hà Nội. 
Trước ngày 10/10/1954, báo Tiền Phong ra số đặc biệt đón mừng ngày giải phóng Thủ đô. Nguồn kinh phí in báo hạn hẹp, ông phải đi vận động một số nhà tư sản yêu nước ủng hộ và tổ chức in báo bí mật tại một địa điểm ở nội thành Hà Nội. Ông cũng tham gia viết bài “Chúng tôi in báo bí mật” với bút danh Rô-né-o.
 
 
Báo Tiền Phong số đặc biệt đón mừng ngày giải phóng Thủ đô (mặt trước)
 
Đón mừng ngày giải phóng Thủ đô, báo đăng “Thư của nam nữ Học sinh Hà Nội gửi đơn vị Quân đội nhân dân tiếp quản Hà Nội”, các bài viết về hoạt động đấu tranh của sinh viên Hà Nội trong thời gian bị tạm chiếm…
 
 
Thư của nam nữ Học sinh Hà Nội gửi đơn vị Quân đội nhân dân tiếp quản Hà Nội đăng
trên báo Tiền Phong số đặc biệt đón mừng ngày giải phóng Thủ đô
 
Bên cạnh đó, báo phản ánh hoạt động thanh niên Hà Nội trong cuộc đấu tranh của hơn 800 đồng bào yêu cầu thực dân Pháp thả những người tù chính trị cuối cùng bị giam tại Đề lao Trung ương (Nhà tù Hỏa Lò) ngày 4/9/1954: 
“Tất cả các ngả đường hướng vào Đề lao Trung ương đều bị bọn hiếu chiến Pháp hợp lực với bọn tay sai ngăn cản. Chúng dùng võ trang dọa nạt đồng bào ta. Năm cha con tôi tới trước cửa chùa Quán Sứ cũng đành phải dừng lại. 
Trước mắt tôi, cả một cảnh tượng thương tâm đầy uất hận: trên mưa dưới nước, đồng bào ta ướt như chuột lột, da mặt tái, người run vì bị ngấm nước mưa. 
Một bà cụ chừng ngoài 60, tóc đã bạc trắng mình gày võ đang lăn lộn dưới rãnh nước, miệng kêu khóc khản cả tiếng… Cụ thì vật vã mình mẩy, đạp chân tay xuống nước làm bắn tung tóe lên…
Sau ức quá tôi hô hào mọi người xung quanh tiến lên vượt qua giới hạn của bọn hiếu chiến Pháp và bè lũ bù nhìn Bảo Đại. Mọi người vừa xô cả lên thì tụi chó săn đã lấy báng súng cản, đánh, đẩy đồng bào ta ngã chúi vào nhau”.
 
Bài viết “Chúng tôi in báo bí mật” của tác giả Rô-né-o (Lê Văn Ba)
 
Báo Tiền Phong ra số đặc biệt đón mừng ngày giải phóng Thủ đô cũng là số báo Tiền Phong cuối cùng của Hà Nội trong thời gian bị tạm chiếm vì: “Chỉ còn ít ngày nữa, Thủ đô sẽ hoàn toàn giải phóng… 
Chỉ còn ít ngày nữa, tờ “Tiền Phong”, cơ quan thống nhất của phong trào thanh niên toàn quốc, do Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc ấn hành, sẽ được phát hành rộng rãi ở Thủ đô. 
Từ đó trở đi, phong trào đấu tranh của nam nữ thanh niên Hà Nội sẽ được phản ánh đầy đủ trên tờ Tiền Phong của Trung ương đoàn” (Trích lời tòa soạn gửi bạn đọc, báo Tiền phong, số đặc biệt đón mừng ngày giải phóng Thủ đô, tr. 2). 
 
 
Báo Tiền Phong số đặc biệt đón mừng ngày giải phóng Thủ đô (mặt sau)
 
Nguyễn Thị Sâm, phòng Nghiên cứu Sưu tầm
 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...