Ký ức tháng Mười (phần 2)

2187
October 14, 2017
Theo chủ trương của Trung ương Đảng, thời gian đầu để tiến hành tiếp quản thành phố cần phải xây dựng một cơ quan chính quyền đặc biệt, thực hiện “Chế độ quản trị quân sự”. Trước mắt, chính quyền này giao cho cơ quan chỉ huy của bộ đội vào thành đảm nhiệm, sau đó sẽ tổ chức ra Ủy ban Quân chính gồm những cán bộ chỉ huy đơn vị bộ đội vào thành, cấp ủy Đảng và Ủy ban Kháng chiến Hành chính… 
Theo Nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội được thành lập do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh trưởng Đại đoàn quân Tiên phong (Đại đoàn 308) làm Chủ tịch và bác sỹ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. 
Ngày 9/10/1954, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội Vương Thừa Vũ ra Quyết định số 1 về tổ chức bộ máy tiếp quản, xác định nguyên tắc chung: bộ máy tiếp quản của Uỷ ban Quân chính Thành phố Hà Nội được tổ chức trên cơ sở tiếp quản và quản lý tất cả cơ quan các cấp của Chính quyền Pháp và Bảo Đại.
 
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ
 
Để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ các cơ quan đóng trên địa bàn Hà Nội được giao nhiệm vụ trong thời kỳ tiếp quản đặc biệt là trong ngày Đại đoàn 308 tiến vào giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Ủy ban Quân chính Thành phố tiến hành việc cấp Chứng minh thư. 
Chứng minh thư do Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội cấp cho ông Lê Văn Ba vào ngày 9/10/1954. Phần nội dung ghi rõ: Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội chứng nhận ông Lê Văn Ba là cán bộ của Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội có công tác trong thời kỳ tiếp quản Thành phố Hà Nội. 
Yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát để ông Ba được đi lại dễ dàng trong khi thi hành nhiệm vụ. Phần cuối chứng minh thư có chữ ký của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và dấu của Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội. 
 
Chứng minh thư, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội 
cấp cho ông Lê Văn Ba, ngày 9/10/1954
 
Ngày 10/10/1954, đại quân từ các cửa ô tiến vào Thủ đô. Trong rừng cờ hoa, với niềm vui sướng tột cùng, nhân dân Hà Nội náo nức đón đoàn quân chiến thắng trở về. 
 
 
Nhân dân Hà Nội đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về
 
Sau ngày giải phóng, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội tập trung vào công tác tiếp quản, phục hồi tại Hà Nội. Là cán bộ Ban Tuyên huấn của Thành đoàn Hà Nội, ông Lê Văn Ba được giao nhiệm vụ tuyên truyền về các hoạt động Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội trong thời gian Thủ đô mới được giải phóng.
Chứng minh thư do Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội cấp được ông Lê Văn Ba sử dụng đến ngày 31/12/1954 để trình đơn vị bộ đội canh gác tại các cơ quan mà ông đến liên hệ công tác.
Sau năm 1954 cho đến khi nghỉ hưu (1999), ông giữ chức vụ Trưởng ban Thanh niên công nhân sau đó là Trưởng ban kinh tế, Trưởng ban Tuyên truyền giáo dục của báo Tiền Phong; Ủy viên Ban biên tập báo Đại Đoàn kết; sáng lập viên, Phó Tổng biên tập báo Người cao tuổi.
Báo Tiền Phong số đặc biệt đón mừng ngày giải phóng Thủ đô, Chứng minh thư do Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội cấp ngày 9/10/1954 đã được ông Lê Văn Ba hiến tặng cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò để phát huy một cách tốt nhất giá trị của những hiện vật đến với công chúng.
 
Nguyễn Thị Sâm, phòng Nghiên cứu Sưu tầm
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...