Vương Thừa Vũ, người chiến sỹ cộng sản kiên cường, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội (phần 2)

1824
October 22, 2017
Mỗi dịp tháng Mười đến, người dân Thủ đô lại nhớ về vị Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội (1946), một vị tướng Trí - Dũng- Nhân - Tín - Liêm - Trung, một người con đã cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng Thủ đô Hà Nội, đó là Trung tướng Vương Thừa Vũ. 
 
Phần 2: Những ngày tù ngục và tên gọi “Vương Thừa Vũ”
Bắt được Nguyễn Văn Đồi, mật thám Pháp dùng nhiều cực hình tra tấn nhằm lấy lời khai của anh về manh mối đường dây liên lạc giữa những người cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Tại Sở Mật thám Hà Nội, mặc cho đòn roi tàn khốc của kẻ địch, Nguyễn Văn Đồi vẫn không hé răng nửa lời, vì anh hiểu nếu anh nói lời nào, bọn mật thám sẽ tiếp tục truy xét và ảnh hưởng đến cách mạng. Không khai thác được thông tin gì từ Nguyễn Văn Đồi, sau một thời gian, thực dân Pháp chuyển anh về giam tại Nhà tù Hỏa Lò.
Tại đây, Nguyễn Văn Đồi đã cùng anh em tù chính trị đoàn kết, đấu tranh chống lại chế độ nhà tù hà khắc, tiếp tục tham gia các lớp học văn hóa, huấn luyện chính trị. Với kiến thức về quân sự được trang bị tại Trường Võ bị Quân sự Hoàng Phố, mặc dù bị kiểm tra rất gắt gao nhưng được tổ chức phân công, hàng ngày Nguyễn Văn Đồi vẫn tranh thủ huấn luyện quân sự cho anh em tù chính trị thông qua hình thức ngồi trò chuyện và vẽ xuống nền nhà. Một lần, vào giờ ra ngoài, tù chính trị và tù thường phạm ngồi riêng từng đám vòng quanh sân, đột nhiên có một tên tù thường phạm cao to đứng ra khiêu khích, thách thức. Mấy anh em tù chính trị hăng hái nhảy ra đấu võ, bị hắn quật ngã lăn ra sân. Không chịu nổi cảnh trên, Nguyễn Văn Đồi nhảy ra đánh đỡ. Thấy Đồi mảnh khảnh, tên tù thường phạm chủ quan thêm, hắn sấn đến lao vào túm vai anh. Anh né người, nắm lấy tay hắn giật mạnh, lỡ đà, lại bị kéo bất ngờ, hắn nhoài người ra, cả thân hình to khỏe đổ vật xuống sân. Anh em tù chính trị nhảy lên, hò reo hả dạ và gọi Nguyễn Văn Đồi là “võ sỹ đạo”. Những lần sau ra sân chơi, tù thường phạm không dám khiêu khích, quấy nhiễu với anh, chị em tù chính trị nữa.
 
Một phần khu trại giam Nam - Nhà tù Hỏa Lò
 
Tháng 2/1942, thực dân Pháp chuyển Nguyễn Văn Đồi lên Căng Bá Vân, Thái Nguyên. Tại đây, anh tiếp tục nêu cao chí khí chiến đấu, không khuất phục trước đòn roi của quân thù. Nguyễn Văn Đồi được chi bộ Đảng tín nhiệm, cử phụ trách công tác binh vận và huấn luyện quân sự trong tù. Với nhiệm vụ được giao, anh tâm huyết tìm ra những phương thức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phù hợp với hoàn cảnh trong tù. Nhờ có Nguyễn Văn Đồi mà phong trào học tập quân sự, thể thao trong tù chính trị phát triển mạnh. Năm 1943, anh vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Giữa năm 1943, Nguyễn Văn Đồi  đã lãnh đạo anh em Căng Bá Vân tổ chức cuộc đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống trong tù. Cuộc đấu tranh bị đàn áp, anh và hơn mười tù chính trị khác bị thực dân Pháp chuyển giam tại Nhà tù Thái Nguyên.
 
 
             Một góc cổng và tường bao Nhà tù Thái Nguyên (hiện còn) 
 
Cuối năm 1944, thực dân Pháp đưa Nguyễn Văn Đồi quay trở lại Nhà tù Hỏa Lò, rồi chuyển giam tại Trại giam Nghĩa Lộ, Yên Bái. Đến Trại giam Nghĩa Lộ, đúng vào dịp Tết Nguyên Đán, được sự lãnh đạo của chi bộ nhà tù, Nguyễn Văn Đồi cùng anh em tù chính trị bàn bạc tổ chức ăn Tết cho ra trò, để tỏ thái độ bất khuất và dũng khí cách mạng, đồng thời khích lệ tinh thần của anh em tù nhân. 
Đấu tranh để được ra chợ sắm Tết, Nguyễn Văn Đồi đã nghĩ nhân cơ hội này, tranh thủ tiếp xúc với nhân dân. Khi vừa đến chợ, biết các anh là tù chính trị, nhân dân chạy lại, đứng chật xung quanh, thăm hỏi, chuyện trò tíu tít như người thân lâu ngày xa cách nay mới có dịp gặp lại. Mấy tên lính áp giải thấy thế liền thúc giục, dọa nạt: Mua gì thì mua, không được nói chuyện, mau lên! Nhưng Nguyễn Văn Đồi và anh em cứ phớt lờ như không nghe thấy, tiếp tục nói chuyện để đồng bào hiểu rõ thêm: vì sao anh và đồng đội bị thực dân cầm tù? vì sao nhân dân bị áp bức, bóc lột và đói khổ?... Giữa lúc câu chuyện đang rôm rả thì vòng người dãn ra, nhường lối cho bà con đem vào nhiều quà: bánh chưng, chè, hoa quả, thuốc lá, hương trầm… tặng cho anh em tù chính trị đón Tết.
Cuộc gặp đầu tiên với bà con Nghĩa Lộ đã làm Nguyền Văn Đồi nảy sinh những suy nghĩ về điều kiện thoát ngục. Rừng núi thiên nhiên cũng là một thuận lợi nhưng lòng dân còn là một thuận lợi hơn nhiều. Với suy nghĩ đó, Nguyễn Văn Đồi và anh em tù chính trị tiếp tục “biến những ngày tù ngục tại trại giam Nghĩa Lộ thành nơi đào tạo lý luận, quân sự”. Hàng ngày, anh miệt mài huấn luyện cho anh em về các kỹ thuật khởi nghĩa vũ trang từ thấp đến cao, tập luyện thật thành thục để chờ thời cơ nổi dậy, thoát ngục. 
Lợi dụng thời điểm Nhật đảo chính Pháp, đêm 17/3/1945, Nguyễn Văn Đồi và anh em tù chính trị đã quyết định phá ngục, bằng việc nổi dậy đánh cai ngục, lính gác. Mặc dù đã chiến đấu quyết liệt, nhưng do không cân sức, quân địch có vũ khí trong tay, đã nổ súng làm Nguyễn Văn Đồi và đồng đội bị thương. Bất chấp hiểm nguy, anh và đồng đội vượt qua chông, cọc, dây thép gai và sáu lần cửa nhà tù, thoát ngục. Qua nhiều ngày vật lộn trong rừng, không có thức ăn, cùng với những vết thương khi đối đầu với giám thị, lính canh, sức khỏe suy khiệt. Trong khí hậu khắc nghiệt của rừng núi, nhiều lúc muốn đứng lên lại ngã qụy xuống vì không đủ sức, nhưng Nguyễn Văn Đồi vẫn suy nghĩ: không thể nằm đây chờ chết hoặc sa vào tay giặc một lần nữa! phải sống để trở về với Đảng, phải sống để tiếp tục sự ngiệp cách mạng. Nghĩ vậy, anh lại bật dậy, lần mò đi tiếp. 
Ngày lần mò đi với đôi chân rớm máu, đêm về ngủ ngay dưới vũng bùn trong rừng, Nguyễn Văn Đồi không nhụt chí. Mấy ngày sau, anh đến được chân núi, vào được bản Bá Tau, núi Pá Hu (một vùng rừng rậm, núi cao trên 1.200m). Chưa kịp vui mừng, anh đã thấy hàng đoàn người lố nhố hiện ra trước mắt. Người nào, người nấy, súng ống giương lên tua tủa và như sắp sửa đồng loạt bắn vào người anh. Lấy hết can đảm, Nguyễn Văn Đồi từ từ đi về phía đám đông. Thấy vậy, đám người nọ bất thình lình xông lên, miệng hét lớn: bắt lấy nó, bắt lấy nó, họ bảo nhau trói chặt Nguyễn Văn Đồi và đưa ra mép vực chuẩn bị bắn và cắt lấy đầu. Lúc này Nguyễn văn Đồi nghe thấy rõ ràng, họ là người dân tộc và nghe có người gọi nhau là Vương. Nhanh trí, anh dùng ngay tiếng dân tộc để giải thích với họ anh là người làm cách mạng, bị thực dân Pháp bắt giam. Thấy vậy, mọi người trố mắt nhìn anh, một người đàn ông đứng tuổi sát lại hỏi: Mày họ gì? họ Vương (Nguyễn Văn Đồi đáp lại).
Nghe vậy, người đàn ông đứng tuổi ôm chầm lấy Nguyễn Văn Đồi, nhận là cùng đồng bào của mình, rồi khoác vai anh nói với bà con đứng xung quanh: Anh em, anh em ta đây, anh Vương cũng như cảnh ngộ của bà con ta đấy, người Việt Nam ta cả đấy.
 
 
Trại giam Nghĩa Lộ nay đã trở thành một di tích lịch sử, nơi giáo dục về truyền thống
yêu nước, cách mạng của những người cộng sản Việt Nam
 
Từ hôm đó bà con trong bản Bá Tau đùm bọc Nguyễn Văn Đồi, họ muốn anh ở lại bản lâu hơn để được chăm sóc sức khỏe cho anh. Nhưng nghĩ đến cách mạng, nghĩ đến những công việc mình phải làm và quyết không để sa vào tay giặc một lần nữa, anh đã xin bà con cho mình đi. Trước khi đi, bà con đã tặng anh một bộ quần áo dân tộc để mặc và cử một người cao tuổi đi theo vừa tiễn chân, vừa chỉ đường về. Và cứ như thế, nhờ sự giúp đỡ, đùm bọc của những người dân địa phương nơi đi qua, anh đã lên được tàu hỏa, xuôi về Hà Nội. Về nhà được vài hôm, Nguyễn Văn Đồi liên lạc với Đảng và được giao nhiệm vụ thoát ly, hoạt động gây cơ sở cách mạng, chuẩn bị lực lượng, đón thời cơ, giành chính quyền. Sau cách mạng Tháng Tám thành công, để ghi nhớ công ơn của những người dân tộc bản Bá Tau đã cứu sống mình, Nguyễn Văn Đồi báo cáo tổ chức và xin đổi tên thành Vương Thừa Vũ. (Còn tiếp).
                                             Tổng hợp và biên soạn: Đào Thị Huệ
 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...