Người Hà Nội với Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ

2495
October 26, 2017
Những người Hà Nội từng sống qua năm tháng chiến tranh ác liệt của quân đội Mỹ đều không thể quên ngày 26/10/1967, ngày mà quân và dân Thủ đô đã bắn cháy tại chỗ 02 máy bay của Không quân Hoa Kỳ, và cũng là ngày những người dân sống bên Hồ Trúc Bạch đã cứu sống một nhân vật quan trọng, một Thượng nghị sỹ tương lai của Chính phủ Hoa Kỳ, đó chính là Thiếu tá Hải quân John McCain.
 
 
Thượng nghị sĩ John McCain chỉ vào bức ảnh chụp ông được người dân Hà Nội cứu
khi rơi xuống Hồ Trúc Bạch, ngày 26.10.1967, chia sẻ các ký ức xưa với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ảnh: AFP
 
Tròn 50 năm đã qua đi, giờ đây mỗi khi có dịp đi trên đường Thanh Niên, nhìn sang phía bên Hồ Trúc Bạch ai cũng có thể  trông thấy một bức tượng nhỏ dựng ngay trước nhà hàng Bánh Tôm - Hồ Tây. Trong chiến tranh, Hồ Trúc Bạch từng được nhiều người biết đến là địa điểm bắt được phi công Mỹ, nhưng không phải người dân nào cũng biết viên phi công Mỹ nhảy dù, rơi xuống hồ khi đó chính là Thiếu tá Hải quân John McCain, đồng thời cũng là con trai, là cháu nội của Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên phi công John McCain lái máy bay A4 tấn công Hà Nội, nhưng đã bị bắn hạ và ông ta đã rơi xuống chính cái hồ thơ mộng này, may mắn cho John McCain, ông đã được những người dân sống quanh Hồ Trúc Bạch, Hà Nội cứu sống. 
Một số người dân sống ở khu vực xung quanh Hồ Trúc Bạch thời kỳ đó kể lại: Sáng ngày 26/10/1967, còi báo động vang khắp thành phố, tiếng pháo cao xạ bắn liên hồi, nhất là phía Nhà máy Điện Yên Phụ. Rồi một chiếc máy bay bốc cháy lao về hướng làng hoa Ngọc Hà. Từ trong đám lửa đó, một chiếc dù bung ra, rất gần mặt đất. Đoán chắc dù sẽ rơi xuống Hồ Trúc Bạch nên một số người dân ở gần đấy mau chóng chạy ra  phía hồ. Họ nhìn thấy một viên phi công Mỹ đang chìm dần xuống nước, cách bờ chừng 20-30m. Hai người đầu tiên bơi ra là ông Mai Văn Ổn và ông Lê Trần Lụa, họ túm được dây dù và kéo viên phi công đó lên. Thấy vậy, nhiều người cùng bơi đến, giúp  sức để đưa phi công vào bờ. Sau khi lên bờ, viên phi công được đưa ngay đến trạm y tế gần đó để sơ cứu.
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thanh, nguyên cán bộ y tế quận Ba Đình, Hà Nội, người đã sơ cứu vết thương ban đầu cho John McCain: “Anh ta mềm oặt người và xanh lả, chân tay không cử động được, mắt nhắm nghiền. Không biết là anh ta có sống được không nhưng tôi trông thấy nguy hiểm lắm rồi. Với nhiệm vụ của mình, tôi kiểm tra mạch và cho anh ta uống ngay 3 thìa nước cấp cứu. Thấy anh ta cũng nhấp môi uống. Còn hai cái nẹp, tôi nẹp tay phải và chân trái của anh ta để đỡ đau. Lúc đó tôi không biết anh ta là John McCain đâu. Tôi chỉ làm đúng với trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp như Cụ Hồ đã dạy “Lương y như từ mẫu”. Sau đó, viên phi công được chuyển ngay lên bệnh viện tuyến trên để được các bác sỹ tiếp tục điều trị vết thương.
 
 
Bác sĩ quân y điều trị vết thương cho Thiếu tá John McCain
 
Khi các vết thương của John McCain đã ổn định, ông được chuyển về trại giam phi công Mỹ ở Hỏa Lò, tại đây ông tiếp tục nhận được sự chăm sóc và đối xử nhân đạo từ những cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý trại giam. Sau khi được trao trả về nước, John McCain đã có nhiều dịp quay trở lại Việt Nam với những cương vị mới: Thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hòa; Ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ năm 2008 và hiện nay là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ. 
 
 
Chiếc máy bay C-141 chở John McCain tới Căn cứ Không quân Clark ở Philippines 
sau khi rời khỏi Việt Nam, năm 1973
 
Lần nào trở lại Việt Nam, Thượng nghị sỹ John McCain cũng cố gắng dành thời gian để thăm lại những người từng là ân nhân của mình năm xưa, thăm lại những nơi mình đã từng sống. Khi gặp lại ông Mai Văn Ổn, Thượng nghị sỹ John McCain rất cảm động và đặt câu hỏi với người từng cứu sống mình: “Tôi là kẻ thù, vậy tại sao ngài lại cứu sống tôi?”. Một câu trả lời giản dị được chính ông Mai Văn Ổn đưa ra: “Người Việt Nam chúng tôi luôn có lòng nhân đạo. Chúng tôi cứu ngài vì lúc đó ngài đã bị thương. Có thế thì ngài mới còn cơ hội quay trở lại Việt Nam chứ! Tất nhiên, nếu hôm đó máy bay của ngài không bị trúng tên lửa, có thể ngài đã cắt bom giết hại nhiều dân thường Việt Nam rồi!”, nghe tới đây ngài Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ đã im lặng.
 
 
Thượng nghị sỹ John McCain trong một lần tới thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò
 
Trong một lần thăm lại Trại giam Hỏa Lò năm xưa, nay là Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Thượng nghị sỹ John McCain đã nói “Tôi rất cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đối xử tốt với tôi, một người đã từng tham chiến ở Việt Nam”. Từ một nhân vật khá “nổi tiếng” của Trại giam phi công Mỹ ở Hỏa Lò, Hà Nội năm xưa, nay John McCain đã trở thành một nhà lãnh đạo tích cực, ủng hộ và thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nhà nước Việt Nam - Hoa Kỳ. 
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Giáo dục, Truyền thông
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...