Thông cáo báo chí Trưng bày chuyên đề: “Chân trần chí thép”

893
April 17, 2018
Nhân kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2018); 64 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2018); 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018), được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề: “Chân trần chí thép” từ ngày 18/4/2018 đến ngày 15/6/2018.
 
Trưng bày là dịp để người dân Việt Nam được sống lại những phút giây hào hùng của lịch sử dân tộc. Với những câu chuyện đầy cảm xúc về ý chí sắt đá, lòng quả cảm của những người con ưu tú đã quyết tâm đi theo lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. 
Trưng bày được chia thành 4 nội dung: Theo dấu chân Người, Từ trong tù ngục, Chân trần chí thép và Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. 
Theo dấu chân Người là nội dung mở đầu của trưng bày. Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Người đã hiến dâng trọn đời mình vì nước, vì dân. Người đau nỗi đau của dân, buồn nỗi buồn của dân; chịu khổ trước dân, vui hưởng sau dân; dựa vào dân, lấy dân làm gốc. 
Tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Người được thể hiện bằng hành động và lời nói giản dị hàng ngày: trong từng bữa ăn với cán bộ, chiến sỹ; những chuyến công tác băng rừng, vượt suối; trong mỗi chặng đường chiến đấu, mỗi bước xây dựng, trưởng thành của lực lượng vũ trang Việt Nam đều có sự chỉ đạo, động viên, chăm sóc ân cần, trìu mến của Người. Tất cả, được tái hiện ở từng bức ảnh, từng câu trích.
Trong nội dung thứ hai: Từ trong tù ngục, “chất thép” của những chiến sỹ cách mạng kiên cường bừng sáng.  “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất”, họ đã biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cách mạng, nơi rèn luyện, đào tạo ra lớp lớp cán bộ lãnh đạo xuất sắc cho cách mạng Việt Nam. Nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Khám Lớn, Lao Thừa Phủ… chính là những “trường học đặc biệt”, giúp họ trưởng thành và trở thành những nhà cách mạng kiên trung, có tầm nhìn chiến lược, biết nắm vững, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, một lòng đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, học hỏi có chọn lọc từ đồng đội, đồng chí của mình để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân và trở thành những vị tướng “Nhân - Trí - Dũng”. 
Chân trần chí thép là nội dung thứ ba, giới thiệu những “Vị tướng trong lòng dân” như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Hoàng Văn Thái… họ là những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là những người văn, võ song toàn; những nhà tham mưu chiến lược, cầm quân tài tình, chỉ huy nghiêm khắc; nhưng vẫn hết mực thương yêu chiến sỹ, gần gũi nhân dân. Họ là những người tiên phong, sẵn sàng xả thân trên chiến trường và lan tỏa chí thép đến toàn quân. 
Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại của dân tộc, những người con ưu tú với “chân trần” đã bước vào cuộc chiến với kẻ thù bằng “chí thép”. “Chí thép” ấy đã kết tinh và bùng cháy thành sức mạnh phi thường, giúp họ vượt qua mọi gian nan, đạp bằng mọi thử thách, để cuối cùng, giành lại độc lập, hạnh phúc cho nhân dân. Nhắc đến họ là nhắc tới những chiến công vang dội mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (30/4/1975).
 
 
Tổ hợp "Mốc son Điện Biên Phủ - 1954" và "Sử vàng đại thắng - 1975"
tại Trưng bày chuyên đề "Chân trần chí thép" 
 
Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam là nội dung cuối của trưng bày, thể hiện ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam: kiên cường chiến đấu để lập nên những chiến thắng vĩ đại, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Những chiến công ấy được tạc vào lịch sử và những giây phút xúc động sẽ không phai mờ trong tâm trí của người dân đất Việt:
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta
Chúng con đến, xanh ngời ánh thép.
                                      (Toàn thắng về ta, Tố Hữu, năm 1975)
Nội dung này còn tổng hợp một số nhận định được nghiên cứu từ nhiều nguồn tư liệu chính thống của các tướng lĩnh trên hai chiến tuyến, như: Tướng De Castries, Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội viễn chinh Pháp: “Người ta có thể đánh bại được một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp”; Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara: “Những người cộng sự của tôi trong chính quyền John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson là một nhóm người đặc biệt… Tại sao nhóm người giỏi nhất và thông minh nhất ấy lại mắc sai lầm về Việt Nam? Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại mắc sai lầm như vậy?”… 
Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là niềm tự hào, điểm tựa tinh thần để các cán bộ, chiến sỹ, hun đúc thêm ý chí, quyết tâm phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Bên cạnh phần nội dung được biên tập công phu, những giải pháp trưng bày mới mang lại sự lôi cuốn, hấp dẫn cho người xem. Với các tông màu: xanh rêu, ghi đá, xám gợi cảm giác nhuốm màu thời gian, như những thước phim tư liệu được quay chậm lại, gợi cảm giác xưa cũ. Cùng với gam màu đỏ, màu của lá cờ Tổ quốc, tượng trưng cho sức mạnh, ý chí để vượt qua mọi gian nan, thử thách, quyết tâm bảo vệ, xây dựng đất nước. Hai tổ hợp là điểm nhấn trong trưng bày:
Tổ hợp “Mốc son Điên Biên Phủ - 1954” thể hiện khí thế sục sôi của lực lượng dân quân với từng đoàn xe đạp thồ vận chuyển vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm tiếp tế cho các chiến sỹ ở chiến trường: 
“Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ.
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát.
Dù bom đạn, xương tan, thịt nát.
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…
(Hoan hô chiến sỹ Điện Biên,Tố Hữu, năm 1954)
Bên cạnh là hình ảnh đồi A1, cứ điểm quan trọng nhất của Pháp, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nhất, kéo dài nhất, có tính chất quyết định cho toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ. 
Tổ hợp “Sử vàng đại thắng - 1975”  tái hiện lại trạm giao liên, nơi dừng chân trên đường hành quân vượt Trường Sơn của hàng triệu người lính. Hàng vạn người trong số họ đã nằm lại giữa lòng Trường Sơn, nơi thử thách ý chí và lòng người như những vần thơ:
Trường Sơn, đông nắng, tây mưa
Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình.
                                      (Nước non ngàn dặm, Tố Hữu, năm 1973)
Qua hai tổ hợp, những người lính Điện Biên Phủ, những người lính vượt Trường Sơn sẽ gặp lại hình ảnh của mình trên chặng đường hành quân ra trận; được ngắm nhìn những vật dụng quen thuộc như: võng, ba lô, mũ cối, bi đông... và cây đàn ghi ta giúp nâng cao tâm hồn người lính trong sinh hoạt hàng ngày, trước giờ ra trận, cũng như khi tưởng nhớ về đồng đội đã ngã xuống. Thế hệ người Việt Nam hôm nay sẽ hiểu sâu sắc hơn nhưng gian khổ, hy sinh nhưng vẫn đầy tinh thần lạc quan của cha, anh đi trước. Sự lạc quan ấy đã tạo nên sức mạnh phi thường để làm nên những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc.
Tại buổi khai mạc, đại biểu và khách tham quan được gặp lại thân nhân của các vị tướng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Trần Tử Bình,… Chứng kiến Lễ trao tặng hiện vật cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò của Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh; Ký kết Biên Bản ghi nhớ về công tác giáo dục và tuyên truyền  giữa Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò với Trung đoàn 375, Bộ tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an.
Với hơn 250 hình ảnh, hiện trưng bày, những câu chuyện thời chiến càng thêm chi tiết, sống động. Qua đó mỗi người sẽ càng thêm thấu hiểu sự gian khổ, khốc liệt của chiến tranh; bồi đắp hơn nữa niềm tự hào dân tộc, tôi luyện cho mình thêm ý chí, hoài bão để cùng nhau góp sức đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
                                                       
                                                                                                                                         BAN TỔ CHỨC
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...