Chuyện về nữ tù binh duy nhất tại Nhà tù Hỏa Lò (1964 - 1973) (Phần 1)

5096
September 08, 2018
Nhà tù Trung ương Hà Nội (Prison Centrale de Hanoi), được người Pháp xây dựng từ năm 1896 ở giữa trung tâm Hà Nội, để giam giữ các chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam (1899 - 1954). Năm 1954, hoà bình lập lại, Chính phủ Việt Nam sử dụng Nhà tù Hoả Lò để giam giữ những người vi phạm pháp luật. Từ 5/8/1964 đến 29/3/1973, một phần diện tích của nhà tù Hoả Lò được sử dụng để giam giữ hàng trăm phi công Mỹ bị bắn rơi và bắt sống khi họ tiến hành bắn phá miền Bắc Việt Nam. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/01/1973), Chính phủ Việt Nam đã trao trả toàn bộ số phi công Mỹ tạm giam tại Trại giam Hỏa Lò cho Chính phủ Mỹ.
Khoảng giữa những năm 1971, trại Hỏa Lò được lệnh tiếp nhận 2 tù binh người phương Tây (một nam và một nữ), bị bắt và đưa từ chiến trường miền Nam ra Bắc. Người nữ tù binh có tên là Monika Schwinn, nguyên là sĩ quan quân y trong quân đội Mỹ, gốc Đức. cô có khuôn mặt trái xoan, tóc vàng, mắt xanh, da trắng, dáng người mảnh mai, xinh đẹp và thông minh. Vì là nữ tù binh duy nhất, nên Ban chỉ huy trại giam Hỏa Lò bố trí cho cô một phòng riêng rộng khoảng 10m2. Trong phòng kê một chiếc giường hộp, loại vẫn dùng cho sĩ quan cấp tá của quân đội ta với đủ chăn màn, phích nước, ấm chén và một chiếc bàn nhỏ, thậm chí còn có cả một lọ hoa.
Lúc đầu, Monika nhất quyết không chịu nhận phòng. Cô nằng nặng đòi được ở chung phòng với người nam tù binh đã đi cùng chuyến từ miền Nam ra Bắc. Tất nhiên, yêu cầu không được chấp nhận. Ban quản lý trại giải thích nhiều lần nhưng Monika không chịu, thậm chí cô bướng bỉnh, khóc lóc, không chịu ăn uống gì. 
 
 
Phóng viên AP, Danielle Flood phỏng vấn bà Monika Schwinn (Bên trái) (Ảnh AP)
 
Hỏi mãi thì Monika cho hay là bởi căn phòng quá xấu và trống trải, đêm đến cô sẽ không dám ngủ vì rất sợ ma. Trước thái độ của Monika, ông Trần Trọng Duyệt với cương vị là Lãnh đạo trại giam Hỏa Lò lúc đó đã cho gọi Monika lên phòng mình. Ông hỏi thăm sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình của người nữ tù binh và động viên cô chấp hành kỷ luật của trại, cải tạo tốt để khi có điều kiện sẽ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình. Với thái độ vừa cương quyết, vừa mềm mỏng ông nói: “Tôi là trại trưởng, nhưng phòng làm việc của tôi cũng không lớn hơn căn phòng mà chúng tôi đã bố trí cho cô. Thậm chí còn không có lọ hoa... Vậy, cô còn muốn gì nữa đây?”. Tới lúc đó, Monika mới chịu nhận phòng. 
 
 
Đại tá Trần Trọng Duyệt, Nguyên Lãnh đạo trại giam phi công Mỹ ở Hỏa Lò
 
Những ngày sống ở trại Hỏa Lò, người nữ tù binh duy nhất trại này đã được anh em quản giáo quan tâm chăm sóc tới mức... ‘hơi bị nuông chiều’. Họ sắm cho cô ta đủ cả gương, lược và những đồ dùng cá nhân thiết yếu của phụ nữ. Một chiến sĩ trẻ đã được giao nhiệm vụ đi mua sắm ‘phụ tùng’ cho Monika. Vì không quen với loại hàng hóa ‘phức tạp và tế nhị’ này, lại đang là thời bao cấp khó khăn, nên anh đã phải vất vả đi lùng khắp Hà Nội. Thêm nữa, còn phải giữ bí mật, vì không thể nói mình mua đồ lót cho nữ tù binh, nên nhiều phen người chiến sỹ này ngượng chín mặt vì bị hiểu lầm... Thậm chí có lần Monika còn được lãnh đạo trại giam trực tiếp đưa đi làm đầu tại một tiệm uốn tóc bên bờ hồ Hoàn Kiếm, rồi đi mua quần áo ở Hàng Đào... Sau chuyến đi nhiệt tình vì ‘người đẹp’ ấy, ông Duyệt và Ban chỉ huy trại đã bị cấp trên nhắc nhở và phê bình vì đã ‘thiếu tinh thần cảnh giác’. (Còn tiếp)
 
Nguyễn Đức Trung, phòng Giáo dục – Truyền thông
Tổng hợp và biên soạn
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...