Một trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, năm 2017 (phần 1)

1931
October 25, 2018
Đã gần 1 năm trôi qua kể từ khi khai mạc trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức”, ngày 29/11/2017. Cho đến nay, nội dung trưng bày vẫn luôn là đề tài hấp dẫn thu hút nhiều phóng viên báo, đài tới đưa tin, đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, du khách trong nước và quốc tế tới tham quan.
“Tìm lại ký ức” là góc trưng bày những kỷ vật, hình ảnh của Hà Nội và Hải Phòng những ngày tháng 12/1972 đầy khói lửa, mất mát, đau thương nhưng đó là một bản anh hùng ca bất diệt của ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của Quân và dân Việt Nam. Trưng bày còn là câu chuyện của phi công Mỹ  sống tại Hilton - Hà Nội, khi họ là tù binh chiến tranh và được Nhân dân Việt Nam đối đãi như những người bạn. Họ được trở về trong vòng tay của gia đình trong niềm vui nhưng vẫn luôn đau đáu về nỗi niềm mang tên Việt Nam. Chiến tranh lùi xa, ký ức đau thương được nhìn lại qua những bức ảnh, kỷ vật thời chiến của những người đã từng ở hai bên chiến tuyến thì góc Trưng bày “Tìm lại ký ức” mang đến cho người xem một dấu ấn về tình hữu nghị, đoàn kết. Những con người đã từng đối đầu khốc liệt trở thành những người bạn hữu, cùng nhau bắt tay xây dựng một tương lai tốt đẹp sau những nỗi đau quá khứ.
 
Sau trận ném bom vào Thành phố Hải Phòng, nhiều gia đình chỉ còn lại những đứa trẻ đeo khăn tang, ngơ ngác trước cảnh đổ nát
 
Hành trang của trẻ em thời chiến
 
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Các tầng lớp nhân dân, công nhân, nông dân, trí thức đoàn kết một lòng kiên cường chiến đấu bắn rơi hàng nghìn máy bay và bắt sống hàng trăm phi công Mỹ dù đau thương chất chồng.
 
Tự vệ Hà Nội sát cánh cùng bộ đội pháo cao xạ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô, năm 1972
 
Cô gái làng hoa Ngọc Hà tưới hoa bên xác máy bay Mỹ, Hà Nội, năm 1972
 
Trong trận chiến “Điện Biên Phủ trên không”  những phi công bị bắt được nhân dân Việt Nam cứu chữa và đưa về sống tại “Hilton - Hà Nội”, bên trong bức tường đá, họ trải qua những khoảng lặng suy ngẫm về những gì đã qua. Lúc này với họ là cuộc sống bình yên, ấm áp tình người, những chuyến bay với B.52 hay những trận bom rải thảm đã là quá khứ mà họ muốn quên đi. Trưng bày đưa người xem đến câu chuyện về người có vai trò quan trọng hàn gắn mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ - Thiếu tá Hải quân John Sidney McCain; câu chuyện của Trung úy Hải quân Everett Alvarez Jr. phi công đầu tiên bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam và có thời gian giam giữ lâu nhất tại “Hilton - Hà Nội”; hay kỷ niệm về chiếc bình hoa được làm bằng xác bay F-4J Phantom II do Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber điều khiển mà ông đã truyền lại cho con trai của mình; với tình yêu Việt Nam Hạ sỹ Robert P. Chenoweth sau khi trở về Mỹ, ông đã chuyển hẳn sang nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam, trở thành “vị quan chức ngành bảo tàng của Hoa Kỳ”. Những câu chuyện của những người làm công tác quản lý, chăm sóc và bảo vệ phi công Mỹ cũng được tái hiện qua góc Trưng bày.
 
Y tá Trần Thị Sâm, người tham gia bắt và băng bó vết thương cho Đại úy Hải quân Aubrey Allen Nichols
lái máy bay A-7B bị bắn rơi tại Hà Tĩnh, ngày 19/5/1972
 
Tháng 5/2015, tại Mỹ, Trung tá Thomas Eugene Wilber trao lại cho cha - Đại tá Hải quân Walter Eugene Wilber bình hoa làm từ mảnh xác máy bay F-4J Phantom II do ông điều khiển, bị bắn rơi tại tỉnh Nghệ An, Việt Nam, năm 1968
 
Sau bao năm xa cách của các tù binh chính trị Việt Nam được chính quyền Mỹ - Ngụy trao trả tại bãi Nhan Biều bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, đồng thời những phi công Mỹ cũng được trao trả tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội.  Câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng, tình yêu đôi lứa, tình đồng đội thắm thiết được thể hiện trong hình ảnh những gương mặt vui mừng, những giọt nước mắt hạnh phúc. Hơn ai hết họ đều hiểu rằng, chiến tranh chỉ mang lại mất mát và đau thương cho cả hai phía.
 
Niềm hạnh phúc của các thành viên trong gia đình Trung tá Robert L.Stirm
khi đón ông trở về căn cứ Không quân Travis bang California, ngày 17/3/1973
 
 
Khoảnh khắc đoàn tụ xúc động của tử tù Côn Đảo - chiến sỹ tình báo Lê Đình Thức và mẹ
sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 5/1973
 
(con tiếp).

Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...