Địa đạo Nam Hồng - một chiến lũy chống Pháp bất khả xâm phạm

2156
November 04, 2018
Trong nhiều bức ảnh lịch sử được sử dụng tại trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về”, bức ảnh được coi là địa đạo đầu tiên ở Việt Nam, được người xem đặc biệt thích thú đó là Địa đạo Nam Hồng. 
Vùng quê máu lửa xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp thường xuyên hứng chịu những đợt càn quét của địch, theo chiến thuật Vết dầu loang. Cả làng ngày ấy chỉ toàn cảnh đổ nát, một màu đen của tro tàn. Quân dân Nam Hồng không phân biệt trẻ già, trai gái đều tích cực tham gia tạo dựng một làng kháng chiến, một khu du kích anh hùng đánh địch quyết liệt.
Một sáng tạo được ghi nhận rõ nét nhất đó là hệ thống giao thông hầm gọi là “địa đạo”. Hàng vạn mét khối đất đã được đào thành hầm tránh giặc và hệ thống các đường hào để tránh máy bay, đạn cối. 
Hầm nằm sâu dưới mặt đất hơn 1 mét để bom nổ bên trên cũng không sập được; chiều cao hầm từ 60 - 80 cm, rộng khoảng 50 cm. Nắp xuống địa đào được đào bí mật dưới gầm giường, bờ ao, bờ lũy. Khi làng có nhiều hầm, người ta mới đào thông các hầm với nhau tạo thành hệ thống hầm ngầm dưới đất, vừa tiện đi lại, vừa đảm bảo bí mật. 
 
Cửa xuống địa đạo Nam Hồng
 
Bên trong địa đạo
 
Từ năm 1947 đến năm 1948, hệ thống hầm dài khoảng 11km đã được hình thành, luồn lách khắp các xóm thôn và liên hoàn toàn xã, gồm 1 trục chính và các nhánh phụ chạy từ đầu làng đến cuối làng, nối liền từ nhà này sang nhà khác như một chiếc xương cá. Ngoài địa đạo, nhân dân và du kích Nam Hồng còn đào một hệ thống hào rộng bao quanh, lũy tre dày và ụ tác chiến. Dân quân đào giao thông hào sát lũy tre với chiều sâu từ 1-1,2 m; rộng từ 1,2-1,4 m. Đào đến đâu thì lấy đất đắp vào chân lũy tre đến đấy. Thành lũy kiên cố được tạo thành, vừa nuôi dưỡng tre phát triển tốt vừa ngăn chặn xe tăng, đại bác và bộ binh của địch.
Đội du kích xã Nam Hồng được thành lập ngay trong năm 1947 với quân số hơn 100 người. Du kích Nam Hồng xây dựng các trận địa cạm bẫy dày đặc: hố chông, bãi mìn… ngăn chặn địch đánh phá làng kháng chiến, ngăn chặn địch xâm nhập. Các bẫy chông của du kích Nam Hồng thiết lập đều rất đáng sợ. Hàng trăm hố chông, mỗi hố dài khoảng 0,7 m - 0,9 m, rộng khoảng 0,6 m - 0,7 m, sâu khoảng 1 m - 1,2 m, cắm từ 3-6 đến hàng chục mũi chông tre, mũi chông sắt. Địch khiếp sợ nhất các bàn chông sắt rèn ngạnh. Hễ sa chân xuống bàn chông sắt rèn ngạnh là tàn phế vĩnh viễn.
 
Bia gắn biển di tích cách mạng kháng chiến
 
Địa đạo đã giúp cho bộ đội, dân quân du kích và cả nhân dân tránh sát thương và tác chiến đánh địch rất hiệu quả. Đây là sản phẩm của trí tuệ thông minh, sáng tạo tuyệt vời của Nam Hồng kháng chiến. Địa đạo Nam Hồng đã góp phần làm nên trang sử vẻ vang của cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại, di tích hiện nay đã được gắn biển di tích cách mạng kháng chiến. 

Hoàng Thúy Hạnh
 Phòng Giáo dục - Truyền thông 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...