Cây cầu nối liền hai thế kỷ

2309
November 11, 2018
Ngay sau khi Nhà tù Hỏa Lò được đưa vào sử dụng (1896-1899), chính quyền Pháp đã cho xây dựng cây cầu thép đầu tiên bắc ngang sông Hồng. Đó chính là cầu Doumer - cầu Long Biên ngày nay.
 
 

Hà Nội có cầu Long Biên,
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong,
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...
 
Hà Nội ngày nay có rất nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng nhưng chắc chắn không có một cây cầu nào mang trên mình sự hào hoa và tầm vóc lịch sử bằng cầu Long Biên. Với ý đồ khai thác thuộc địa lần thứ nhất, sau gần 3 năm thi công, ngày 28/2/1902, cầu đã hoàn thành và được lấy tên là cầu Doumer - tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Vào thời điểm đó, đây là cây cầu lớn nhất Đông Dương và được người Pháp ca ngợi gọi là cây cầu nối liền hai thế kỷ. Cầu Long Biên được xem là một chứng tích lịch sử quan trọng, đã chứng kiến giờ phút lịch sử đoàn quân chiến thắng tiến về Thủ đô năm 1954.
 
Tấm biển ghi năm thi công và tên công ty xây dựng cầu Doumer - cầu Long Biên
 
Cầu Doumer bắc qua sông Hồng, dài 2.290m, gồm 19 nhịp dầm thép và đặt trên 20 trụ cao hơn 40m cùng 896m đường dẫn lên cầu xây bằng đá. Những phần nhịp chính được nhà thầu Daydé & Pillé đúc sẵn và chở từ Pháp sang, còn các phần khác đều là linh kiện được liên kết bằng đinh, tán thủ công, do thợ sắt người An Nam đảm nhiệm. Về sau này, một bộ phận trong số những người thợ ấy ở lại đất kinh thành để tiếp tục phát triển nghề sắt, lập ra phố Lò Rèn ngày nay.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cầu Long Biên đã chứng kiến cuộc rút lui  để bảo toàn lực lượng anh dũng của Trung đoàn Thủ đô và một bộ phận nhân dân qua gầm cầu vào đêm ngày 17 rạng sáng ngày 18/2/1947. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết trong đó có điều khoản: Hai nước ký thỏa thuận ngừng bắn và chuyển giao hòa bình nguyên vẹn các thành phố cho nhau, đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang phía Gia Lâm, vĩnh viễn chấm dứt sự chiếm đóng của quân viễn chinh Pháp tại Thủ đô Hà Nội.
 
Các chiến sỹ Tiểu đoàn Bình Ca qua cầu Long Biên
tiến vào Hà Nội tiếp quản thủ đô
 
Sau ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954), Đốc lý Hà Nội - bác sỹ Trần Văn Lai đã đổi tên thành cầu Long Biên. Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cầu Long Biên là điểm nóng trên tuyến vận tải chiến lược bị không quân Mỹ tập trung đánh phá và phòng không ta tập trung bảo vệ. Cầu vài lần bị địch đánh hỏng nặng và được khôi phục hoàn toàn vào năm 1973.
Hơn 116 năm đã đi qua, trải qua nhiều biến cố nhưng cầu Long Biên vẫn như một dải lụa đào mềm mại vắt qua sông Hồng, mang trên mình sứ mệnh lịch sử - văn hóa - kinh tế, trở thành một dấu tích lịch sử, một điểm tham quan hấp dẫn ở Thủ đô. Cầu Long Biên mãi mãi là niềm tự hào của Hà Nội hôm nay và mai sau.
 

Hoàng Thúy Hạnh 
Phòng Giáo dục Truyền thông

Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...