Chiến công thầm lặng của Tiểu đoàn Bình Ca trong những ngày tiếp quản Thủ đô

1320
November 14, 2018
Trưng bày “Hà Nội - ngày trở về” được khai mạc tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò từ ngày 5/10/2018, hiện vẫn thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách tham quan. Ít ai biết, để tiếp quản Thủ đô an toàn tuyệt đối từ tay quân Pháp trước khi đại quân trở về, có công lao đóng góp của những chiến sỹ Tiểu đoàn Bình Ca, Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 Quân tiên phong.

Sau thất bại tại Điện Biên Phủ (7/5/1954), thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trung tuần tháng 9/1954, Hội nghị Ủy ban Liên hiệp đình chiến ở Phù Lỗ bàn đến việc chuyển giao Hà Nội. Ngày 30/9/1954, hai bên Việt Nam và Pháp đã ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự và trật tự. Ngày 02/10/1954, ký tiếp Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính.
Những ngày đầu tháng 10/1954, thực hiện hiệp định chuyển giao Hà Nội, 422 cán bộ thuộc Đội Hành chính và 158 chiến sỹ công an thuộc Đội Trật tự cùng quân Pháp tiến hành bàn giao từng cơ quan, công sở, công trình công cộng. Sáng sớm ngày 8/10/1954, Tiểu đoàn Bình Ca đã đến phía Bắc cầu Đuống để tiến vào Hà Nội, thực hiện nhiệm vụ tiếp quản trước 35 vị trí trọng yếu từ tay quân Pháp. Một hạ sỹ quan Pháp ra mời đơn vị của ta lên cầu. Họ đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy các chiến sỹ Việt Nam còn quá trẻ, đa số tuổi mười chín, đôi mươi, nhưng ai cũng mang hào khí của người chiến thắng.
 

Tiểu đoàn Bình Ca trên cầu Đuống tiến về Hà Nội, ngày 08/10/1954

Không để người Pháp trao trả Thủ đô tan hoang, xơ xác nên các chiến sỹ Tiểu đoàn Bình Ca đã sớm có mặt tại những vị trí trọng yếu. Bước vào cuộc chiến thầm lặng mới, Tiểu đoàn Bình Ca quyết tâm bảo vệ đến cùng Hà Nội yêu dấu, giữ nguyên 35 vị trí trọng yếu an toàn để đón chờ Đại đoàn 308 tiến về. Các chiến sỹ cũng hết sức kiềm chế khi canh gác cùng với lính Pháp, kiên quyết không cho chúng phá máy móc, đốt hoặc lấy tài liệu mang đi; tuyệt đối không nổ súng, nếu cần thiết phải hy sinh để đảm bảo an toàn cho việc tiếp quản. 
Các cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Bình Ca đã tiếp quản trước 35 vị trí trọng yếu của Thủ đô như:
 

Phủ Thủ hiến Bắc Việt nay là Nhà khách Chính phủ ở số 12, phố Ngô Quyền, 
đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia
 
Nha Tài chính nay là trụ sở Bộ Ngoại giao ở số 1, phố Tôn Thất Đàm,
đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia
 
 
Nhà tù Hỏa Lò nay là Di tích lịch sử cấp Quốc gia ở số 1, phố Hỏa Lò,
địa điểm thu hút đông du khách trong nước và quốc tế đến tham quan

Tòa án Hà Nội nay là Tòa án nhân dân tối cao ở số 48, phố Lý Thường Kiệt

Ga Hàng Cỏ nay là Ga Hà Nội ở số 120, đường Lê Duẩn là một trong
những ga đầu mối lớn nhất của ngành Đường sắt Việt Nam

Ty Cảnh sát thành phố nay là trụ sở của Công an quận Hoàn Kiếm
ở số 2, phố Tràng Thi

Tiểu đoàn Bình Ca được vinh dự thực hiện lời thề “Ra đi hẹn một ngày về” của Trung đoàn Thủ đô khi rút qua sông Hồng lên chiến khu tháng 2/1947. Ngày 10/10/1954, Hà Nội rợp trời sắc đỏ cờ hoa, đèn trên phố vẫn sáng, tiếng tàu điện leng keng, nhà máy nước vẫn hoạt động, các trọng điểm được bảo vệ an toàn tuyệt đối... Đó là kỷ niệm khó quên của những người lính Bình Ca đã góp phần bảo vệ vẹn nguyên thành phố, một chiến công thầm lặng trong những ngày tiếp quản Thủ đô.
 
Nguyễn Thị Sâm tổng hợp và biên soạn
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...