Bức thư của tình hữu nghị (phần 1)

1367
November 21, 2018
Ở tuổi thất thập, từng nhiều lần bị tra tấn dã man, bị cắt hết gân chân, gân tay hai chân đi không vững, nhưng người lính năm nào vẫn giữ thần thái tươi tắn, giọng nói sang sảng. Mỗi khi được hỏi ông đều nói rằng chuyện của tôi có thấm vào đâu so với những đồng đội đã hy sinh. Vâng! đó là câu chuyện về ông Tống Trần Hội, cựu tù chính trị Nhà tù Phú Quốc, thương binh hạng ¼, những nỗi đau mà ông trải qua thật khó nói hết bằng lời, hiểu hơn về ông càng làm chúng ta thấy trân trọng những gì ông và đồng đội đã hy sinh cho chúng ta có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay.
Ông Tống Trần Hội sống cùng vợ và con trai trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm khiêm tốn tại thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội. Trong câu chuyện của mình ông nói cuộc đời chiến đấu của mình cũng bình thường như mọi người lính cùng thế hệ. Năm 1965, mới 18 tuổi, đang học lớp 10/10, người thanh niên trẻ ấy xung phong đi bộ đội, vào miền Nam chiến đấu. Sau 5 năm là chiến sĩ trinh sát vùng địch hậu, trong một lần đi trinh sát thì ông bị địch bắt. Ông Hội kể: “Khi địch bắt, chúng tìm mọi cách khai thác được những điều chúng muốn biết như vị trí đóng quân của đơn vị tôi, những người nuôi dưỡng che chở cho tôi hoạt động ngay trong lòng địch… Nhưng khi không thực hiện được ý định, chúng hành hạ tra tấn tôi, chúng cắt hết gân và 2 cơ của hai chân, tháo xương má ngoài của hai chân tôi. Cho nên hơn nửa thế kỷ rồi tôi chỉ đi bằng 2 xương chày, không có cơ, không có gân, kéo lết trên đường”.
 
Ông Tống Trần Hội (thứ hai từ trái sang) cùng những người bạn tù
tại Hội nghị gặp mặt người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, ngày 09/10/2010
 
Năm 1973 ông Hội được trao trả trở về sau Hiệp định Paris. Ba năm bị tù đày, không biết bao nhiêu trận đòn tàn khốc, dã man của kẻ thù trực tiếp giáng vào ông cũng như tra tấn đồng đội của mình. Ông nói: “Tôi ở phân khu D9 nhà tù Phú Quốc, chuyện bị địch đày đọa, hành hạ là chuyện thường. Trong thời gian ngắn hàng mấy nghìn bạn tù bị đánh chết. Không ngày nào địch không đánh, giết anh em đồng đội, đồng chí của tôi. Điều mà tôi nhớ mãi, có lẽ đến những ngày cuối đời cũng không quên được đó là những lần chuyển tù, đi từ nhà tù này đến nhà tù khác. Khi bắt đầu đến nhà tù mới thì ngay tại sân, cổng nhà tù, quân địch đánh trận đòn phủ đầu. Hàng trăm tên lính quân cảnh, an ninh lao vào đánh đập phủ đầu anh em chúng tôi. Nhưng chúng tôi nhắc nhở nhau, phải kiên quyết giữ vững ý chí, học tập theo bước những đàn anh chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trước đây. Những cái đầu không bao giờ biết cúi. Cho nên lúc nào mà chúng tôi còn sống thì phải ngẩng cao đầu lên nhìn thẳng vào địch. Địch có thể đạp vào mặt ta, đánh vào đầu ta nhưng mắt chúng tôi vẫn nhìn vào mặt quân thù, đó là điểm mà địch nó cũng rất sợ và rất ghét. Chúng tôi luôn sẵn sàng ứng phó với kẻ địch, không bao giờ cúi đầu, không bao giờ van xin. Địch đánh phun máu ra, đánh gẫy chân, gẫy tay mà những cặp mắt vẫn nhìn trân trân vào kẻ thù, nên chúng sợ, nhiều tên đi giật lùi không dám đánh anh em tù nữa”.
 
Ông Tống Trần Hội (ngoài cùng bên phải) chụp cùng với Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng
kỷ niệm 20 năm giải phóng Miền Nam
 
Hỏi khi ấy ông có sợ không? Ông cười bảo: “Bây giờ mà nhìn lại, nói thật là tôi cũng sợ. Là con người bằng xương bằng thịt, ai không sợ. Nhưng lúc đó là thời tuổi trẻ, nếu đặt tên cho tinh thần chúng tôi khi ấy là ý chí, nghị lực thì tôi không hình dung được. Tôi lúc đó chỉ nghĩ là mình cần phải quên đi tất cả đau đớn để bảo vệ đơn vị, đồng đội, đồng chí cùng chiến đấu với mình. Đồng đội là những người anh em nhường mình từng ngụm nước cuối cùng khi mình bị sốt rét, dù mưa bom bão đạn vẫn cố nấu cháo cho mình ăn, đưa cho mình từng viên thuốc… Bởi thế cho nên khi sa vào tay giặc, cái đầu tiên nghĩ là phải bảo vệ an toàn tuyệt đối cho đơn vị, cho anh em, những người bạn cùng sống chết, cùng chiến đấu với mình. Đó không biết có phải là sức mạnh hay không nhưng đó là tất cả những điều tôi nghĩ. 
Câu chuyện giữa người lính năm xưa và tôi một cán bộ làm công tác trong ngành văn hóa như chưa có hồi kết. Ông đưa tôi xem bức thư của Thomas Eugene wilber con trai của Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber một cựu phi công Mỹ từng bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò đã bày tỏ sự khâm phục trước sự hy sinh của người lính bộ đội cụ Hồ như ông. Bức thư có nội dung như thế nào, có phải là sợi dây kết nối giữa những bên đã từng ở hai đầu chiến tuyến. Mời các bạn theo dõi tiếp phần 2.
 
                Nguyễn Thị Thu Hiền – Phòng Nghiên cứu Sưu tầm.
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...