Đồng chí Bí thư thành phố và căn hầm bí mật

1736
December 11, 2018
Trong 12 ngày đêm (từ đêm 18 đến ngày 24/12/1972) chống lại cuộc hành quân “Lai - nơ Bếch - cơ II” của đế quốc Mỹ, hơn 50 vạn người dân Hà Nội đã được sơ tán ra khỏi nội thành (giảm đi 80% số dân cư). Nhưng Thủ đô Hà Nội vẫn bình tĩnh, tự tin, vững vàng, hiên ngang trong máu lửa tàn khốc.
Sinh trưởng trên vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng Bắc Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Trân (1917 - 2018) là một cựu chính khách Việt Nam, từng giữ chức Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội, Tổng Thanh tra Chính phủ rồi Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện trong Chính phủ Việt Nam.
 

Đồng chí Nguyễn Văn Trân (1917 - 2018)
 
Tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, một tổ chức công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương, 2 năm sau khi vừa tròn 20 tuổi đồng chí Nguyễn Văn Trân được kết nạp và trở thành đảng viên. Trong vai người thợ công nhân xưởng in, người Đảng viên Nguyễn Văn Trân tham gia tích cực các cuộc đấu tranh, tuyên truyền bảo vệ quyền lợi thợ thuyền. Vì đã từng làm nghề in, đồng chí được tổ chức đưa ra ngoại thành bí mật in báo "Cờ giải phóng" để tuyên truyền chống Pháp. Không may, một thời gian sau đó, cơ sở in ấn này bị lộ, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam, đưa ra tòa xét xử bản án 10 năm khổ sai đày đi Sơn La, tháng 7 năm 1940.Vượt ngục thành công năm 1943 khỏi nhà tù Sơn La, đồng chí Nguyễn Văn Trân bắt liên lạc với tổ chức.
Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng. Từ tháng 8/1965 đến năm 1974, đồng chí giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa IV, V. Địa điểm làm việc của Thành ủy Hà Nội trong thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc được đặt tại số nhà 62 phố Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo. Bên trong ngôi nhà mang kiến trúc Pháp với lớp tường vôi mầu vàng có một căn hầm bí mật. Hầm rộng khoảng 100m2, nửa nổi nửa chìm, bên trên nóc đổ cát để chống bom bi. Từ hầm ra phố Trần Quốc Toản có lối thoát phòng khi căn hầm bị sập. Hầm được xây bằng bê tông cốt thép dày 1,5m hiện vẫn nguyên vẹn, do quân đội quản lý.
Ngày 28/12/1972, đồng chí Nguyễn Văn Trân - Bí thư Thành ủy chủ trì cuộc họp đột xuất của Thường vụ ngay tại căn hầm bí mật này. Cuộc họp đã đưa ra các biện pháp cấp bách bảo đảm cho chiến đấu và phòng tránh lâu dài. Trong buổi họp đó, đồng chí Bí thư đã biểu dương công lao, những đóng góp, hy sinh to lớn, cao cả của các lực lượng vũ trang và cán bộ, nhân dân Thủ đô trong cuộc chiến “”Điện Biên Phủ trên không”. Căn hầm còn gắn với nhiều sự kiện quan trọng khác của Thành ủy, song đối với đồng chí đây là nơi ghi dấu một thời hoa lửa, trang sử gắn liền với Thủ đô và của cả dân tộc.Tháng 4/2006, địa điểm di tích cách mạng kháng chiến số 62 phố Trần Quốc Toản đã được gắn biển lưu niệm.
 
Bia gắn biển di tích cách mạng kháng chiến
 
Bài và ảnh: Hoàng Thúy Hạnh
Phòng Giáo dục Truyền thông
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...