Những kỷ vật quý giá của một cựu tù (phần 1)

5543
September 27, 2016
Trưởng thành từ phong trào học sinh kháng chiến Hà Nội, ông Trần Khắc Cần (tức Lê Văn Ba) đã có những năm tháng hoạt động cách mạng và làm báo sôi nổi, đầy nhiệt huyết trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông và những học sinh yêu nước đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giải phóng Thủ đô Hà Nội năm 1954.
 
Phần 1: Những tờ báo bí mật
Ông Trần Khắc Cần sinh năm 1934 tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 15 tuổi, ông thi đỗ vào trường Chu Văn An, đây là ngôi trường có truyền thống cách mạng, nhiều thế hệ thầy trò tham gia các hoạt động chống thực dân Pháp.
 
 
Ông Trần Khắc Cần (tức Lê Văn Ba) - Cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò
 
Tháng 01/1950, anh Trần Văn Ơn, một học sinh yêu nước bị thực dân Pháp giết hại trong một cuộc biểu tình ở Sài Gòn. Ở Hà Nội, học sinh và sinh viên sục sôi tinh thần đấu tranh, tổ chức nhiều cuộc bãi khóa, rải truyền đơn, in tài liệu lên án thực dân Pháp và tổ chức lễ truy điệu anh Trần Văn Ơn.
 
 
Học sinh trường Chu Văn An, Trưng Vương trong buổi lễ diễu hành, truy điệu
anh Trần Văn Ơn, tại Hà Nội, ngày 20/01/1950
 
Nhận thấy tinh thần đấu tranh của học sinh, sinh viên các trường đang lên cao, Quận ủy nội thành Hà Nội đã chỉ đạo Đoàn học sinh Kháng chiến Thủ đô xuất bản báo Nhựa sống, một tờ báo được lưu hành bí mật trong các trường học ở Hà Nội.
Thời kỳ đầu, báo Nhựa sống in bằng phương pháp thủ công: báo được viết bằng tay, in thạch với mầu mực tím mờ nhạt. Từ năm 1951 - 1952, báo Nhựa sống được in bằng công nghệ mới Ronéo trên giấy trắng, bên ngoài đóng bìa mềm, trông chẳng khác gì một quyển vở học sinh, rất dễ cất giấu trong cặp.
 
 
Báo Nhựa sống, kỷ vật quý giá của ông Trần Khắc Cần
 
Tuy thuộc lớp học sinh nhỏ tuổi nhất, nhưng ông Trần Khắc Cần luôn hăng hái tham gia vào các hoạt động của phong trào học sinh kháng chiến Thủ đô. Năm 1952, ông được giao nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng trong học sinh và tổ chức in báo Nhựa sống.
Ông Trần Khắc Cần cùng các ông: Dương Tự Minh, Nguyễn Kim Khiêm và một số học sinh kháng chiến khác do đồng chí Lê Tám, một cán bộ Đoàn được cử vào nội thành hoạt động trực tiếp phụ trách. Nhiệm vụ chính của ông Trần Khắc Cần là đánh máy, tổ chức in ấn và phát báo cho học sinh các trường học ở Hà Nội, nhưng do có khả năng viết tốt nên ông được đồng chí Lê Tám giao thêm nhiệm vụ biên tập và viết bài đăng báo.
Báo Nhựa sống được in ở nhiều cơ sở khác nhau, trong đó có nhà riêng của ông Dương Tự Minh ở số 98A phố Hàng Bông, nhà ông Nguyễn Kim Khiêm ở số 77 phố Phủ Doãn.
Báo Nhựa sống được in đều đặn hàng tháng, mỗi số báo ra khoảng 300 đến 400 tờ, sau đó được nhóm ông Trần Khắc Cần và một số học sinh kháng chiến khác đem phát một cách bí mật: “Khi đi học, chúng tôi thường để báo Nhựa sống vào trong cặp, đến giờ ra chơi thì lén đặt vào ngăn bàn các bạn” hoặc đưa tận tay cho những học sinh có cảm tình với cách mạng để tuyên truyền.
Tuy là một tờ báo bí mật của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội, nhưng báo Nhựa sống đã có tiếng nói sâu, rộng đến mọi tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên của Thủ đô. Nội dung báo kêu gọi các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên đoàn kết, tin tưởng cách mạng Việt Nam, kêu gọi học sinh, sinh viên không đi lính cho Pháp, chia sẻ những kinh nghiệm đấu tranh của sinh viên thế giới. Ngoài ra báo còn đăng nhiều bài phóng sự, tùy bút, thơ ca, bài viết về những ngày kỷ niệm của đất nước. Cùng với đó tờ báo cũng đả kích những thói hư tật xấu của một bộ phận thanh niên, học sinh vẫn còn tư tưởng ham chơi, nghe theo sự dụ dỗ của thực dân Pháp và chính quyền Ngụy, làm tay sai cho địch.
Đúng như tên gọi Nhựa sống, tờ báo đã có một sức sống mãnh liệt, tràn trề “nhựa sống” của tầng lớp học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội những năm đầu thập niên 1950. Đây là giai đoạn cao trào của cách mạng Việt Nam, cũng như của học sinh, sinh viên Thủ đô trong đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Tờ báo đã góp một phần nhỏ bé trong công cuộc giải phóng Thủ đô Hà Nội, năm 1954.
Tháng 10/1952, khi ông Trần Khắc Cần cùng những người bạn trong nhóm đang in báo Nhựa sống thì bị mật thám Pháp ập đến ngôi nhà 98A phố Hàng Bông khám xét do có chỉ điểm. Tình hình lúc đó rất nguy cấp, ông Trần Khắc Cần liền ôm tài liệu leo qua mái nhà bên cạnh để trốn, nhưng vì tiếc chiếc máy chữ còn mới do tổ chức trang bị cho tổ làm báo Nhựa sống, nên ông quay trở lại lấy, không may bị bọn mật thám phát hiện và bắt được. Chúng giải ông Trần Khắc Cần về Sở Mật thám Hà Nội để khai thác thông tin, sau đó chuyển ông sang giam tại Nhà tù Hỏa Lò. (Còn tiếp)
 
Nguyễn Anh Tuấn, phòng Nghiên cứu Sưu tầm
 
Tài liệu tham khảo:
1. Sách: Một thời sôi nổi - Tập hồi ký của học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội (1947 - 1954), Nxb Hà Nội, 1998, tr. 98.
2. Sách: Những hình ảnh đấu tranh của phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội (1947- 1954), Nxb Hà Nội, 2006, tr. 41, 42, 59.
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...