Người viết nhạc trong trại giam (phần 2)

2265
September 30, 2016
Ngay khi bước vào cổng Nhà tù Hỏa Lò, Đỗ Nhuận bị những tên quản chế kiểm soát kỹ lưỡng, khi không thấy gì khả nghi, ông được chúng cho đi trước, tay cầm bát dừa, đôi đũa cùng những đồ vật đã kỳ công cất giấu mà không bị địch phát hiện, ông rất mừng vì đó là những thứ quý giá đối với ông  trong chốn lao  tù.  
Bị đưa về giam tại trại L, Đỗ Nhuận đã được gặp đồng chí Trần Cung, ông đã báo cáo với đồng chí Trần Cung về đồng chí Chi - cán bộ tỉnh Hải Dương cùng bị bắt và cùng bị đưa lên Hỏa Lò, hiện đang bị giam tại trại lớn. Sau đó, Đỗ Nhuận còn thì thầm với đồng chí Trần Cung về việc bí mật mang được một số dụng cụ “chơi nhạc” vào Hỏa Lò mà không bị tịch thu. Đồng chí Trần Cung rất ngạc nhiên và cho biết trong này đang rất cần những thứ đó. Khi biết được Đỗ Nhuận có nhiều biệt tài như: vẽ, viết văn, sáng tác nhạc, kịch, chơi được đàn, sáo, nhị, tiêu… Đồng chí Trần Cung đã giao cho Đỗ Nhuận chuẩn bị ra tờ nguyệt san cho anh em đọc trong dịp Tết, ông đã bắt tay ngay vào việc. Để có giấy, anh em trong trại ra quy định, mọi người nhắn người nhà viết thư bằng giấy học trò, viết một tờ để trắng một tờ, như vậy mỗi tháng có khoảng 100 tờ đem đóng theo khổ dọc. Với trách nhiệm được giao, Đỗ Nhuận trăn trở suy nghĩ để đặt tên cho báo, lúc đầu dự kiến các tên: Hỏa Lò, Lò lửa, Lò lửa đấu tranh… nhưng vì đây là tờ báo ra vào dịp Tết âm lịch nên anh em thống nhất lấy tên báo là Xuân tù.
Đỗ Nhuận đã sử dụng ngay những đồ dùng đã chuẩn bị trước đó để phục vụ cho công việc chép, trình bày báo. Ông dùng chôn bát để mài mực Tàu, lấy đũa làm quản bút rồi viết thử một vài chữ theo kiểu litô lên mặt giấy, thấy mực đen rõ từng nét nên rất phấn khởi. Phần trang trí minh họa, anh em đã sử dụng màu sắc từ các loại thuốc: màu đỏ lấy từ thuốc đỏ, màu vàng từ thuốc ký ninh, màu xanh từ thuốc quinobleu… khiến cho tờ báo bắt mắt hơn. Sau nửa tháng, tờ Xuân tù của trại L ra đời, anh em chuyền tay nhau đọc, ai không biết chữ thì ngồi nghe.
 
Trại giam L - Nhà tù Hỏa Lò
 
Trong thời gian bị giam giữ tại đây, Đỗ Nhuận đã khuấy động phong trào văn hóa, văn nghệ của toàn trại. Những lúc rảnh rỗi, Đỗ Nhuận thường dạy anh em hát những bài hát ca ngợi cách mạng, có tác dụng cổ vũ tinh thần đấu tranh của anh em toàn trại.
Tham gia sinh hoạt tại trại L được một thời gian, Đỗ Nhuận đã đề nghị đồng chí Trần Cung cho sang trại D (trại giam lớn của nhà tù). Để sang được bên đó, Đỗ Nhuận lợi dụng khoảng thời gian lính canh mở cửa cho tù nhân đi lấy thuốc, khi tù nhân ra, vào, lính canh không cần ghi số tù mà chỉ đếm đầu người. Số người bên trại lớn lúc nào cũng đông hơn trại L, lợi dụng lúc lính gác không để ý, Đỗ Nhuận đã đề nghị đồng chí Ban đổi về trại L, còn ông chuyển sang trại D và không quên mang theo bát gáo dừa cùng đôi đũa.
Trại D là nơi tập trung nhiều đảng viên có kinh nghiệm và uy tín trong hoạt động như các đồng chí: Đỗ Mười, Đào Duy Kỳ…Tại đây, Đỗ Nhuận còn gặp đồng chí Vương Gia Khương, tác giả của bài: Hò la và vở kịch Chiến sỹ và Hằng Nga, đây là những tác phẩm có tác động rất lớn đến tinh thần đấu tranh của tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò.
Cũng trong thời gian này, đồng chí Đào Duy Kỳ nhận thấy công tác văn nghệ rất quan trọng, có tác dụng cổ vũ tinh thần của anh em tù nhân rất lớn nên đã cùng Đỗ Nhuận viết chung bài hát Tiếng gọi tù nhân; Sáng tác vở kịch Cô gái Lam Hồng; Riêng bài Tiễn quân lên đường được Đỗ Nhuận viết theo điệu hát Hướng đạo. Đồng thời, một ban nhạc do Đỗ Nhuận phụ trách đã được thành lập ngay trong trại giam.
 
 
     Trại giam D - Nhà tù Hỏa Lò
 
Không chỉ viết nhạc, soạn kịch, Đỗ Nhuận còn cùng anh em nghiên cứu để làm ra những nhạc cụ bằng những chất liệu đơn sơ nhất, có thể tìm được trong nhà tù: Vỏ quả bầu khô của người nhà gửi vào đã được dùng làm thùng đàn măngđôlin; tận dụng thùng gỗ đựng cơm của tù nhân để chế thành mặt đàn; cần đàn được đẽo ra từ một khúc củi nhặt từ nhà bếp, bàn phím được tạo ra từ ống bơ, dây phanh được ông mang từ Hải Dương lên để  làm dây đàn… đặc biệt ông còn xin được tóc dài của chị em để làm vĩ kéo.
Để có thêm nhạc cụ biểu diễn, Đỗ Nhuận đề nghị làm một cây tiêu, đồng chí Đỗ Mười đồng ý và phân công một người nhân lúc ra sân tắm, nhanh chân trèo lên cây, bẻ một cành bàng thẳng chuyển cho Đỗ Nhuận, ông kỳ công dùng lưỡi dao cạo bổ dọc cành bàng, khoét rỗng ruột, phơi khô, gọt nhẵn sau đó gắn hai mảnh lại bằng đường trộn vôi, quấn chỉ xung quanh và dùng lưỡi dao trổ khoét lỗ. 
Bằng những nhạc cụ tự chế đó, ban nhạc của Đỗ Nhuận đã đi biểu diễn khắp các trại  giam trong Nhà tù Hỏa Lò với các vở: Chiến sỹ và Hằng Nga; Cô gái Lam Hồng; Nguyễn Trãi - Phi Khanh… tất cả diễn viên đều là tù nhân bị giam ở Nhà tù Hỏa Lò lúc bấy giờ.
Khi được tin đồng chí Hoàng Văn Thụ bị đưa ra xét xử và bị kết án tử hình. Các trại mở đợt quyên góp để thuê thầy kiện xin giảm án cho đồng chí Hoàng Văn Thụ. Đỗ Nhuận đã đóng góp 10 đồng được giấu trong đôi đũa gỗ và gửi biếu đồng chí Hoàng Văn Thụ chiếc áo len màu xanh. Buổi tối hôm đó, Đỗ Nhuận đã dùng chiếc tiêu mới làm thổi điệu Tiêu buồn, đệm bài Chặt Xiềng để động viên, khích lệ ý chí chiến đấu của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
Đỗ Nhuận bị đưa ra xét xử lần hai, tòa tuyên án 3 năm tù về tội công khai tuyên truyền cộng sản. Trước hôm chia tay, khi các bạn tù đã đi ngủ, Đỗ Nhuận ngồi một mình dưới ánh đèn từ sân trại hắt vào, đặt mình vào thân phận người đi đày và sáng tác bài Côn Đảo:
Kìa xa, xa nơi Côn Đảo (ú u)
Sóng nước muôn trùng.
Hỡi đàn cò trắng, bay qua ngang trời
Về phương Đông (ú u)
Hỡi chim ta nhắn cùng!
Chiều nay bo tim sôi nổi (ơ hò)
Khi quay con tàu…..
Dẫu từ nay cô đơn giữa khơi,
Đi đày ra nước non xa vời.
Thề cho ta hun máu sôi,
Mong thù kia trả xong thì thôi.
Một sáng đầu xuân 1944, từ Nhà tù Hỏa Lò, Đỗ Nhuận bị địch đưa đi đày Sơn La cùng hơn 100 tù chính trị khác. Tại đây, ông lại tiếp tục sáng tác nhiều bài ca cách mạng như Hận Sơn La; Viếng mồ tử sĩ và đặc biệt là nhạc phẩm Du kích ca - là một trong những bài được hát nhiều nhất trong những ngày khởi nghĩa giành chính quyền.
Có thể nói, bằng tài năng của mình, Đỗ Nhuận đã chọn một cách đánh địch riêng: Đánh địch bằng âm nhạc, bên cạnh đó ông còn tích cực tuyên truyền cách mạng qua các ca khúc, tác phẩm của mình.
 
                           Dương Thanh Hùng, phòng Nghiên cứu, Sưu tầm
Tài liệu tham khảo:
- Sách: “Âm thanh cuộc đời”, Đỗ Nhuận, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, năm 2004.
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...