Cụ cử Can và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Phần 1)

4713
January 08, 2019
Trải qua hơn 100 năm cùng với sự phát triển của Thủ đô, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - Đài phun nước Bờ Hồ không chỉ mang trong mình chức năng là một công trình kiến trúc cảnh quan mà nó còn mang giá trị lịch sử cũng như giá trị tinh thần đối với người dân thủ đô ngàn năm văn hiến.
Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu
Một thời đạn bom, một thời hòa bình.
Trong nhịp sống sôi động của một thành phố đang trên đà phát triển, ai cũng biết, Hồ Gươm là trái tim của Thủ đô Hà Nội và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục chính là cửa ngõ dẫn lối vào. 
Khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trước đây vốn là một bãi đất hoang trồng dừa ven hồ Gươm, dân gian thường gọi là Vườn dừa, Bãi Dừa hay Bãi Gáo. Sau này, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, chúng cho xây dựng quảng trường có tên là Place Négrier - Quảng trường tướng Négrier (Francois Oscar de Négrier (2/10/1839 - 22/8/1913) là một trong những vị tướng Pháp  trực tiếp tham gia chiến dịch Bắc Ninh, Lạng Sơn). 
 
 
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thời Pháp thuộc
 
Thực dân Pháp rất coi trọng vị trí của quảng trường và xem nó như trung tâm của Thủ đô Hà Nội lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sự ưu ái của Pháp dành cho quảng trường Place Négrier nhanh chóng bị chấm dứt bởi các hành động dã man của chúng. 
Trong cuốn sách “Hà Nội cũ”, Nhà xuất bản Đời Mới - Hà Nội, năm 1943, cụ Doãn Kế Thiện có kể lại: “Nói đến những nơi rùng rợn nhất Hà thành khoảng 50 năm về trước đây, ngoài cái “hồ xác trẻ” ra, lại còn nơi “cây dừa bêu đầu”. Nơi đó không phải là một nơi khuất vắng, lại chính là một nơi mà bây giờ chúng ta đều cho là rất phong quang, vui vẻ nhất Hà thành…Phải, đó là Hồ Hoàn Kiếm…Đó là vì thỉnh thoảng người ta lại đem treo một cái hay mấy cái đầu lâu của những trọng tù bị tội trảm quyết vào thân mấy cây dừa, nói là “bêu” để làm gương cho kẻ khác coi đó làm răn. Mỗi khi có một cái đầu đem bêu ở đó, trên thân cây dừa lại dán một tờ giấy kể rõ tội trạng của kẻ đã bị tử hình ấy, cho các người qua lại xem”.
Để tiêu diệt những người chống đối và khủng bố tinh thần người Việt, thực dân Pháp xử chém đầu nhiều nhà ái quốc tại quảng trường Place Négrier. Trong đó có sự kiện hành hình ông cử Tạ Văn Đình năm 1883 và 4 năm sau - năm 1887 là sĩ phu, thủ khoa Nguyễn Cao.
 
 
Nhà số 10 phố Hàng Đào, Hà Nội
trước đây là trường Đông Kinh Nghĩa Thục
 
Tháng 3/1907, tại nhà số 10 phố Hàng Đào (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) trường Đông Kinh Ngĩa Thục được mở, do một số nhân sĩ, tri thức khởi xướng. Tham gia giảng dạy có cụ cử Lương Văn Can, Nguyễn Quyền… “Đông Kinh” là tên kinh thành Thăng Long thời Lê sơ, sau đổi ra cả vùng đàng ngoài, “nghĩa thục” là trường dạy việc nghĩa. Thầy giáo Lương Văn Can lúc đó 25 tuổi, làm Thục trưởng (Hiệu trưởng).
 
Hoàng Thúy Hạnh - Phòng Giáo dục Truyền thông 
(Tổng hợp biên soạn) 
 

Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...