Cụ cử Can và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Phần 2)

5815
January 09, 2019
Trường Đông Kinh Nghĩa Thục lúc đầu chỉ có ba lớp với khoảng 100 trò. Đến tháng 5/1907 khi có giấy phép chính thức, trường tăng lên 8 lớp, chủ yếu dạy chữ quốc ngữ. Trường dạy miễn phí chữ Quốc ngữ cho các học trò thời Pháp thuộc. Không chỉ là nơi dạy học, về sau trường trở thành một địa bàn hoạt động sôi nổi của các sĩ phu yêu nước, chống Pháp khắp Hà Nội và một số vùng lân cận. Mục đích của nhà trường là:
- Nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ của quần chúng.
- Truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một nếp sống văn minh tiến bộ.
- Phối hợp hành động với các sĩ phu đã xuất dương và hỗ trợ các phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh đang phát triển trong cả nước.
 
 
Cụ cử Lương Văn Can (1854-1927)
 
Vì đây là một phong trào "có ý nghĩa cách mạng" và đã lan đi rất nhanh khiến thực dân Pháp rất lo sợ. Trong phiên họp Hội đồng quân sự Đông Dương, nhà cầm quyền Pháp đã nhận định: "Không còn là một câu chuyện hoang đường khi khẳng định rằng Đông Kinh Nghĩa Thục đã là một cái lò phiến loạn ở Bắc Kỳ". Ngày 26/4/1913, xảy ra vụ đánh bom khách sạn Hà Nội của tổ chức Việt Nam Quang phục Hội. Cho là nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục có liên quan nên thực dân Pháp đã bắt Lương Văn Can giam ở nhà pha Hỏa Lò (Hà Nội).
Vì Pháp bắt Nghĩa đảng đến mấy trăm người, nên xét xử đến tháng 8 năm đó mới xong. Kết án chém 7 người, đày chung thân 9 người, khổ sai và biệt xứ từ 10 đến 30 năm, tổng cộng là 56 người. Trong số ấy, Lương Văn Can bị kết án biệt xứ, lưu đày sang Nam Vang (nay thuộc Campuchia). Trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị giải tán.
Hơn 8 năm sau, Lương Văn Can được giảm án, trở về Hà Nội ngày 25/11/1921. Ông lại tiếp tục mở trường Ôn Như, vừa dạy học vừa soạn sách.Ngày 13/6/1927, ông qua đời tại Hà Nội, thọ 73 tuổi. Trước khi mất, ông dặn các con cháu: "Bảo quốc túy, tuyết quốc sĩ" (Giữ tinh hoa của nước, rửa nhục nước).
Năm 1945, thị trưởng Trần Văn Lai đã cho đổi tên quảng trường Place Négrier thành Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để kỷ niệm ngôi trường tư miễn phí đồng thời là trung tâm của một phong trào yêu nước sôi động vào đầu thế kỷ 20 của sĩ phu Hà Nội và các vùng lân cận.
 
 
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay
 
Theo thời gian, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã khoác trên mình những tấm áo mới. Nơi đây vẫn là một phần của di sản sống, là một không gian mở phục vụ cho đời sống nhân dân, cho các hoạt động văn hóa mang đậm nét Hà Nội. Những giá trị lớn lao ấy sẽ còn sống mãi với con cháu mai sau giống như đài phun nước Đông Kinh Nghĩa Thục qua bao thăng trầm, biến động nó không những bị mất đi mà còn được tôn tạo đẹp hơn, bền vững hơn.
 
Hoàng Thúy Hạnh - Phòng Giáo dục Truyền thông 
(Tổng hợp biên soạn) 


Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...