Khi mẹ phải xa con (Phần 2)

1293
February 02, 2019
 
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” để lại dấu ấn đậm nét qua các thời kỳ dựng nước, giữ nước chẳng hề thua kém đấng nam nhi. Chiến tranh đã cướp đi những người chồng, người cha và cả những người con của các mẹ, nhưng “mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non. Tự hào chúng con có mẹ Việt Nam anh hùng” 
Đầu năm 1937, sau khi được ra tù, bà trở về Hà Tĩnh tìm con. Trang 81, hồi ký cách mạng “Một lòng với Đảng” của bà Hoàng Thị Ái, Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản năm 1964 có đoạn như sau: “Trên đường đi, có điều kiện để vào Hà Tĩnh để tìm gia đình nuôi hộ con tôi năm năm về trước, hồi tôi phải đi công tác. Niềm hy vọng của tôi như màu cầu vồng nhưng cũng tan nhanh chóng như bong bóng xà phòng. Sự thật đau đớn quá: tôi bị bắt rồi, ít lâu sau vợ chồng đồng chí tôi nhờ nuôi hộ con tôi cũng bị đế quốc bắt. Giữa lúc đó, chị cũng nuôi con nhỏ. Cả hai đứa bé con chị và con tôi khát sữa nên sống được một năm rưỡi sau thì chết… Tôi muốn kêu lên mà cổ cứ nghẹn tắc lại.
Tâm can tôi lạnh giá lại. Đau thương và căm thù… Nhưng tôi suy nghĩ lại: không có quyền được thất vọng vì những đau buồn riêng của mình”.
Sau 5 năm bị giam ở nhà tù Hỏa Lò từ năm 1940 - 1945, bà trở thành tỉnh ủy viên, tham gia thành lập Ủy ban khởi nghĩa ở Bình - Trị - Thiên, trở thành Bí thư phụ vận khu 4, rồi Chủ tịch Hội Phụ nữ cứu quốc thay liệt sĩ Hoàng Ngân (vợ của nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ). Sau này, bà trở thành Phó chủ Tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam năm 1957 - 1963 cho đến khi nghỉ hưu.
Nguyện hy sinh hết đời mình cho cách mạng, quên đi hạnh phúc riêng tư, nhưng cuộc đời bà Hoàng Thị Ái đã được bù đắp một phần khi duyên phận đã cho bà cơ hội được gặp người con trai út của nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc và người vợ đầu của ông trên đường hoạt động cách mạng.
Trong những năm tháng hoạt động ở chiến khu, bà tình cờ gặp người lính trẻ Nguyễn Phong Vinh. Qua lời những người đồng chí, bà mới biết đó là con trai của Nguyễn Phong Sắc. Kể từ đó, trong những ngày hoạt động trên chiến khu, bà luôn chăm sóc người con riêng của chồng và coi người con này như con đẻ của mình. Sau này, qua người con ấy, bà mới gặp được người vợ đầu của chồng - bà Trịnh Thị Cán.
 
Nguyên Chủ tịch thành phố Nguyễn Quốc Triệu đến thăm
ông Nguyễn Phong Vinh (con trai út đ/c Nguyễn Phong Sắc) và gia đình
 
Ngày gặp mặt, hai người phụ nữ tuy chung một chồng nhưng mới lần đầu biết nhau đã coi nhau như chị em ruột. Xúc động trước tình cảm của bà Ái dành cho con trai mình, bà Cán đã nắm tay bà Ái rưng rưng nước mắt: “Chị có công sanh thì em có công dưỡng. Từ giờ con của chị cũng là con của em. Anh Sắc không còn, chị em ta đùm bọc yêu thương nhau, coi nhau như chị em ruột thịt”.
 
Bà Hoàng Thị Ái (1900 - 2004) cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò
 
Năm 2004, bà Hoàng Thị Ái qua đời khi vừa bước sang tuổi 104 tại Hà Nội. Bà mất chỉ sau hai ngày khi bước sang tuổi mới. Bà được nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất và Huân chương Hồ Chí Minh cho những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng đất nước.
 
 Hoàng Thúy Hạnh - Phòng Giáo dục Truyền thông 
(Tổng hợp biên soạn) 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...