Đặng Việt Châu - Hồn thơ cách mạng (Phần 2)

2914
March 12, 2019
 
Được đồng chí Nguyễn Văn Ngạn, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ giới thiệu, đồng chí đi“vô sản hoá”, làm công nhân ở Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Tháng 3/1931, đồng chí được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại nhà máy.
Qua Uông Bí vào Vàng Danh
Khắp nước đang bùng lửa đấu tranh
Giận quân phản động phá tan tành.
Xót xa đồng chí sa tù ngục,
Lo ngại thân mình bước tử sinh.
Dấn bước đi lên vui lẽ sống,
Dừng chân đứng lại thẹn tâm tình.
Đường đi khúc khuỷu không lùi bước,
Mục đích mai sau cũng phải thành.
                                   Tháng 5/1931
 
 
Nhà Máy Xi măng Hải Phòng, nơi đồng chí Đặng Việt Châu hoạt động
 
Tháng 9/1931, Xứ uỷ lâm thời Bắc Kỳ giao cho đồng chí biên tập tờ báo Tiến lên, cơ quan ngôn luận của Xứ ủy tại Hải Phòng. 
Ngày 4/2/1932, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và đưa về Sở Mật thám để tra khảo. Không khai thác được thông tin gì, chúng chuyển đồng chí đến Nhà pha Hải Phòng.
 
Nhớ lại đêm bị bắt tại cơ quan ở làng Hàng Kênh, ngày 04/02/1932
Đêm khuya vào giữa lúc giao thừa,
Pháo đốt bên ngoài vẫn ngủ mơ.
Tiếng động khác thường kêu lộp cộp,
Đèn pin soi kẽ ánh xuyên lùa.
Chủ nhà nhổm dậy ra xem thử
Một lũ đạp phên đã nhảy vô.
Đè xích kêu hò lôi kéo dậy,
Đưa lên xe kín nhốt vô cò.
                                                          Sáng tác tại Nhà pha Hải Phòng 15 ngày sau khi bị bắt
Hay một bài thơ họa lại bài thơ của đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, người bạn tù bị thương trong cuộc đấu tranh lưu huyết tại Nhà pha Hải Phòng cuối năm 1931:
Đất nước tan hoang tựa chiến trường,
Tinh thần Nghệ Tĩnh đã treo gương.
Hà Nam giành được nhiều yêu sách,
Tiền Hải mang theo những vết thương.
Đất Bắc giương cao cờ đỏ thắm,
Miền Nam trừ diệt lũ vô lương.
Đấu tranh duy nhất con đường sống, 
Chết nhục xưa nay kẻ thủ thường
                                                          Sáng tác tại Nhà pha Hải Phòng cuối tháng 03/1932 
 Sau 8 tháng bị giam cầm tại đây, đồng chí bị chuyển lên Hà Nội, giam tại nhà tù Hoả Lò. Tháng 11/1932, Toà đại hình Hà Nội kết án đồng chí 5 năm tù giam. 
Trong ngục tù Hoả Lò (từ đầu tháng 11/1932 đến tháng 5/1935), đồng chí Đặng Việt Châu vẫn bền bỉ đấu tranh, được cử vào Chi bộ Đảng ở nhà tù và Ban Tuyên huấn. Đồng chí đã cùng với một số đảng viên xây dựng và củng cố Chi bộ, mở rộng việc kết nạp những quần chúng trung thành với Đảng, tin tưởng ở chủ nghĩa cộng sản và hăng hái đấu tranh trong nhà tù. 
Chi bộ đã tuyên truyền, vận động, tập hợp và lãnh đạo tù nhân đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc. Trong thời kỳ này, nhiều cuộc đấu tranh liên tục nổ ra như cuộc tuyệt thực 7 ngày để phản đối sự đàn áp, tra tấn của cai ngục và đòi quyền lợi cho anh em tù nhân. Ngoài ra, đồng chí còn tích cực tham gia cuộc bút chiến với tù nhân Việt Nam Quốc dân đảng. Cùng các đồng chí khác, đồng chí góp phần chỉ rõ những điểm mạnh, điểm yếu của họ, nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân đảng phát động… Kết quả là nhiều đảng viên Quốc dân đảng đã giác ngộ về con đường, phương pháp cách mạng đúng đắn để giải phóng dân tộc và tuyên bố ly khai tổ chức cũ của họ. 
Tháng 11/1933, đồng chí được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ nhà tù Hoả Lò và cũng là một trong những bí thư chi bộ trẻ nhất. Đồng chí luôn nêu cao dũng khí cách mạng, không ngừng học tập, rèn luyện, bằng lý luận, lời lẽ và cả hành động chống lại những việc làm sai trái của bọn cai ngục. Bên cạnh nhiệm vụ phụ trách Lao tù tạp chí và công tác huấn luyện nội bộ, qua Chi ủy, đồng chí cùng các đảng viên ra thêm Tạp chí Vô sản để tăng cường công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao trình độ cho những đảng viên mới bị bắt giam. Hai tờ báo ra đúng thời gian và phục vụ kịp thời các lớp huấn luyện, vì thế hoạt động đấu tranh chính trị thời gian này diễn ra rất sôi nổi. Chi bộ tổ chức hai cuộc tuyệt thực một đến hai bữa để phản đối việc mất vệ sinh trong ăn uống. Vì vậy, cuộc sống và sinh hoạt của tù chính trị được bảo đảm, những rắc rối và những chuyện lôi thôi đối với cai ngục ít xảy ra.
Trong chốn lao tù thực dân, đồng chí đã suer dụng báo chí như một vũ khí đấu tranh. Trong điều kiện khắc nghiệt, đồng chí đã cùng các bạn tù xuất bản báo bằng bất cứ thứ giấy hoặc công cụ nào có thể viết được: vỏ bao xi măng, mảnh giấy hay thậm chí là những chiếc lá bàng… và trên những ấn phẩm độc nhất vô nhị đó, những bài thơ của người tù cách mạng truyền tay, chuyền cho nhau hơi ấm, ý chí đấu tranh.
 
Dương Thanh Hùng - Phòng Giáo dục, truyền thông
Tổng hợp và biên soạn 
 

Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...