Một con người bình dị mà kiên cường (Phần 2)

1089
June 29, 2019
Tháng 3/1973, sau khi được trao trả ở bãi Nhan Biều, bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị), những người tù là thương binh như đồng chí Nguyễn Tài Triệu và nhiều đồng chí khác được đưa về nơi điều dưỡng tại xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Tháng 4/1975, đồng chí chuyển về trại an dưỡng thương binh Hà Nội ở thôn Miêu Nha, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm. 
Để lại một chân nơi chiến trường, đồng chí Nguyễn Tài Triệu trở về mang theo nhiều hoài niệm. Ngoài niềm vui sum vầy còn là những băn khoăn, nhọc nhằn dồn lên một bên chân còn lại. Đã có lúc đồng chí tự ti đến vô vọng, người khỏe trở về còn khó khăn, đồng chí chỉ còn lại một chân sẽ làm gì đây?
Nhưng rồi niềm vui đã hé mở, tháng 10/1975 đồng chí được nhận về Nhà máy in Ngân hàng làm bảo vệ. Bằng nỗ lực của bản thân cộng với khí phách của chàng trai Hà Nội, từ vị trí nhân viên bảo vệ, đồng chí đã phấn đấu là cán bộ trong phòng Tổ chức tiền lương, rồi giữ chức Phó trưởng phòng và cuối cùng đảm nhận vị trí Trưởng phòng kiêm Bí thư Đảng ủy Nhà máy in Ngân hàng trong suốt 30 năm. 
Khi đi làm khó khăn nhất của đồng chí Nguyễn Tài Triệu là mỏm cụt quá ngắn mà bác sĩ cho rằng không thể lắp chân giả được. Nhưng do yêu cầu của công việc nên đồng chí quyết định lắp và tập luyện. Đồng chí đã phải trải qua những đau đớn để có thể đứng lên tập đi, rồi dần dần đồng chí tập đi được xe đạp. Với người bình thường chỉ cần 1 tuần là có thể đi được, nhưng đồng chí phải 3 tháng mới có thể đi vững với bao lần vấp ngã. 
Khi được hỏi điều gì đã khiến đồng chí nỗ lực từ nhân viên bảo vệ lên là một cán bộ quản lý. Đồng chí đã chia sẻ với chúng tôi “Đó là cả một quá trình tự học và rèn luyện không ngừng nghỉ, chứ không có điều gì đặc biệt cả”. Với đồng chí thành công phải là sự nỗ lực, bền bỉ.
 
Đồng chí Nguyễn Tài Triệu chụp và bạn đồng nghiệp cùng công tác trong nhà máy in Ngân hàng
 
Sự nỗ lực tự học không chỉ giúp đồng chí vượt qua khó khăn về sức khỏe, có một sự nghiệp vững vàng mà còn giúp đồng chí lấy được cảm tình của người con gái Hà Nội đoan trang, hiền thục. Bà Hoàng Thị Oanh, cảm phục trước khí phách và những nỗ lực không ngừng của đồng chí Nguyễn Tài Triệu, họ đã trở thành vợ chồng. Nhắc đến vợ, đồng chí lại nói với một tình cảm rất thân thương: “Tôi được như ngày hôm nay cũng nhờ có bà nó. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương đau nhói, có những cơn đau dữ dội giật mạnh hất tôi ra khỏi giường. Những lúc ấy chỉ có vợ chăm tôi chứ các con không biết”. 
Những câu chuyện về đồng chí Nguyễn Tài Triệu đã được chúng tôi ghi lại và kể cho hàng ngàn lượt khách tham quan trưng bày chuyên đề “Lửa thanh xuân”. Rất nhiều đoàn khách đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau yêu mến, cảm phục và tự hào về thế hệ thanh niên đi trước trong đó có đồng chí Nguyễn Tài Triệu. Chắc chắn nghị lực phi thường của đồng chí sẽ tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ thanh niên hôm nay nỗ lực hơn để sống và cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
Một số sinh ảnh của đồng chí Nguyễn Tài Triệu trong trưng bày chuyên đề "Lửa thanh xuân": 
 
 
Đồng chí Nguyễn Tài Triệu trả lời phỏng vấn của phóng viên tại buổi khai mạc trưng bày chuyên đề "Lửa thanh xuân"
 
 
Đồng chí Nguyễn Tài Triệu chụp ảnh cùng cán bộ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò
 
 
Đồng chí Nguyễn Tài Triệu và đồng chí Lâm Văn Bảng cựu tù binh nhà tù Phú Quốc
 
           Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...