Kỷ niệm 62 năm ngày giải phóng Thủ đô: Phần 1 - Hội nghị Quân sự Trung Giã

1394
October 04, 2016
Ngày 10/10/1954 đã trở thành một dấu ấn không thể quên trong tâm thức của mỗi người dân Thủ đô: nhân dân Hà Nội đón chào các đoàn quân tiến vào Thủ đô bằng những tiếng reo hò, lời ca và những tràng vỗ tay không dứt. Hội nghị quân sự Trung Giã đã góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi của quân và dân Hà Nội trong những ngày tháng 10 lịch sử đó.
 
Trong những ngày cuối thu này, người thân của những người đứng đầu Đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tham dự Hội nghị quan trọng ấy đã về đây- nơi mà cha ông họ đã bàn đến những vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh của lịch sử dân tộc. Trong không khí ấm áp và tràn đầy cảm xúc, những người con, người cháu của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Song Hào và Trung tướng Lê Quang Đạo đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương ôn lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc.
 
Cuộc nói chuyện diễn ra trong không khí đầm ấm và nhiều cảm xúc
 
Hội nghị quân sự Việt Nam - Pháp, từ ngày 04/7/1954 đến ngày 27/7/1954, được tổ chức tại thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội (gọi tắt là Hội nghị Trung Giã). Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng Chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp tại Đông Dương, đúng vào giai đoạn chuẩn bị cho việc kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Những kết quả đạt được trong Hội nghị Trung Giã đã góp phần cho sự thành công của Hiệp định Giơ-ne-vơ, giải quyết vấn đề ngừng bắn và lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Pháp.
Vị trí được chọn nằm trên quả đồi, tại đây có một hội trường do quân đội Pháp dựng bằng khung thép mái lợp tôn, có đèn điện, quạt điện và bàn ghế. Khu nhà của đoàn Việt Nam được làm bằng tre, nứa, mái lợp lá gồi thoáng mát.
 
 
Đại điện đoàn tham quan và chụp ảnh kỷ niệm trước gian nhà lá,
nơi đoàn Đại biểu Bộ Tổng tư lệnh Việt Nam đã từng ở trong thời gian diễn ra Hội nghị
 
Ðoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh Việt Nam, do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm Trưởng đoàn; Đại tá Song Hào, Đại tá Lê Quang Đạo làm Phó Trưởng đoàn đến dự Hội nghị với tâm thế của những người vừa giành chiến thắng trên chiến trường Ðiện Biên Phủ. Ðoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy Pháp, do Đại tá Len-nuy-ơ làm Trưởng  đoàn cùng với bốn sĩ quan Pháp, ba sĩ quan ngụy ngồi đối diện đoàn Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, đại diện hai lực lượng vũ trang đang đối địch nhau trên chiến trường sau 9 năm chiến tranh, ngồi quanh một chiếc bàn đàm phán hình chữ nhật. 
 
 
Đoàn thăm lại căn phòng, nơi diễn ra cuộc đàm phán giữa quân đội hai bên Việt - Pháp
 
Thiếu tướng Văn Tiến Dũng và Đại tá Song Hào là những chiến sỹ cách mạng, từng bị thực dân Pháp bắt, giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò năm xưa, là “tù binh” của quân đội Pháp. Nhưng giờ đây, 2 người bạn tù ấy lại được ngồi bên nhau trong một Hội nghị quan trọng để bàn thảo với đại diện quân đội viễn chinh Pháp về những vấn đề quân sự. Đặc biệt hơn, tại hội nghị quân sự này còn bàn về vấn đề tù binh trong phạm vi những điều Hội nghị Giơ-ne-vơ đã quyết định như: Trao đổi tù binh ốm và bị thương, cải thiện sinh hoạt của tù binh, trao đổi thư từ của tù binh, gửi thuốc men cho tù binh… Vấn đề chuyển giao và tiếp quản các khu vực, trong đó có kế hoạch cụ thể về tiếp quản Thủ đô Hà Nội cũng được 2 bên đưa ra bàn trong Hội nghị quân sự quan trọng này.
Có thể nói, đoàn đàm phán Việt Nam ở Hội nghị quân sự Trung Giã đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Hồ Chủ tịch giao. Thắng lợi giành được tại Hội nghị Trung Giã đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam, trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã đánh giá về tầm quan trọng của Hội nghị Quân sự Trung Giã: "…Là một sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Có những vấn đề Hội nghị Giơnevơ chưa cụ thể thì Hội nghị Trung Giã đã giải quyết được đi đến thống nhất. Có những vấn đề Hội nghị Quân sự Trung Giã căn cứ tình hình thực tế đề xuất lên Hội nghị Giơnevơ quyết định. Ví dụ, việc thành lập Ban Liên hợp Quân sự ở các chiến trường để giám sát những vấn đề thực thi về quân sự mà Hội nghị Giơnevơ đã bàn thảo”.
62 năm đã qua đi, nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô 10/10/2016, đại diện các gia đình: Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Song Hào và Trung tướng Lê Quang Đạo có dịp được trở về thăm lại di tích lịch sử Trung Giã, đây là một nguyện vọng đã được ấp ủ từ lâu đến nay, các gia đình mới có điều kiện cùng thực hiện. Trước di tích và hiện vật đã từng in đậm dấu ấn của người thân, những thành viên trong các gia đình đã không tránh khỏi những giây phút xúc động, nghẹn ngào. Họ tự hào về chồng, cha, ông của mình đã có những đóng góp quan trọng và dành trọn đời mình cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng Thủ đô, giành lại độc lập cho dân tộc.
 
Nguyễn Thị Thu Hiền, Phòng Trưng bày Tuyên truyền
Ảnh: Dương Thanh Hùng 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...