Trân trọng lịch sử để sống có ích hơn

358
October 30, 2016
Cách đây tròn 70 năm, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ và lòng dân cả nước phát đi mệnh lệnh Toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Người là một trong những văn kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Điều kỳ diệu là cho đến tận bây giờ, âm vang của những ngôn từ  xúc tích nhưng có sức sống mãnh liệt  đã đi vào trái tim của hàng triệu triệu người con Việt Nam.
 
“Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hoà bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”.
 
Ngôi nhà tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), 
nơi Hồ Chủ tịch viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
 
Đó là thông điệp của trái tim, xuất phát từ lẽ sống còn mà không một người dân Việt Nam nào không hiểu rõ: Độc lập, tự do còn quý hơn cả máu của chính mình. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch đã “truyền máu, tiếp lửa” cho những người con ưu tú của dân tộc, quyết đứng lên, ra sức cứu lấy nước nhà.
Từ tháng 10 năm 1946, Việt Nam được chia thành 12 chiến khu, Thủ đô Hà Nội là Chiến khu 11. Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Trân là Bí thư Thành ủy được cử làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận kiêm Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Khu 11; Chỉ huy trưởng mặt trận Khu 11 là đồng chí Vương Thừa Vũ; Tổng Tham mưu trưởng là đồng chí Hoàng Văn Thái. Đồng chí Trần Quốc Hoàn là phái viên Trung ương tại mặt trận Hà Nội (Các đồng chí trên đều là những chiến sỹ cách mạng từng bị địch bắt, giam giữ tại các nhà tù, trong đó có Nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội).
 Đúng 20 giờ 30 phút ngày 19/12/1946, Chính phủ Việt Nam đã phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh chiến đấu:
"Tổ quốc lâm nguy!
Giờ chiến đấu đã đến!
Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Quốc phòng
- Tổng chỉ huy, tôi hạ lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung - Nam - Bắc phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước.
Hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng!
Tiêu diệt bọn thực dân Pháp!
Quyết chiến!".
 
Hưởng ứng lời kêu gọi và mệnh lệnh hiệu triệu đó, những thanh niên nam nữ của 36 phố phường Thủ đô Hà Nội; Những anh, chị Vệ quốc đoàn; Những cán bộ thuộc lực lượng Mặt trận Quân sự và Công an xung phong; Lực lượng tự vệ chiến đấu; Những cán bộ của cơ quan Thành ủy Hà Nội... đã đồng lòng đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp. Bộ Tổng chỉ huy quyết định: chiến khu Hà Nội không để bị rơi vào  thế bất ngờ, nếu địch đánh trước, ta có thể quật lại. Trận đánh ở Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phải tiêu biểu cho tinh thần kháng chiến của cả nước. Hà Nội cần giam chân địch ít nhất là một tháng, tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang giai đoạn chiến tranh. Mặt trận Hà Nội được coi là chiến trường chính trong trận tổng giao chiến đầu tiên.
 
 
Loa phát thanh phát lệnh Toàn quốc kháng chiến
 
70 năm đã qua nhưng những ký ức về những ngày đầu toàn quốc kháng chiến dường như vẫn vẹn nguyên trong mỗi thành viên Ban Liên lạc cán bộ kháng chiến Thủ đô. Được thành lập theo nguyện vọng của đa số các chiến sỹ từng tham gia công tác lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, con số hội viên thời gian đầu lên tới vài trăm người, đồng chí Nguyễn Văn Trân được bầu là Trưởng ban. Tuy nhiên, trải qua thời gian, số lượng hội viên ngày càng giảm đi. Cho đến nay, mỗi lần triệu tập họp mặt cũng chỉ dừng lại ở con số trên dưới 200 người. Các thành viên trong Ban Liên lạc giờ đây cũng đều đã ở vào độ tuổi 80 - 90, thậm chí có người đã gần 100 tuổi (Đại tá Nguyễn Trọng Hàm). Các bác là đại diện cho các cơ quan, tổ chức, hội đoàn trong kháng chiến như: Cơ quan Thành ủy; Mặt trận Quân sự; Phụ nữ; Học sinh, sinh viên; Công đoàn; Giao thông; Liên khu I; Liên khu II; Liên khu III… là những người đã từng góp sức với Thủ đô Hà Nội trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến.
 
 
Cuộc họp của Ban Liên lạc Cán bộ kháng chiến Thủ đô (tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò)
 
Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946 - 12/2016), ngày 25/10/2016 Ban Liên lạc cán bộ kháng chiến Thủ đô đã tổ chức buổi họp để bàn và thống nhất các nội dung. Mong muốn cháy bỏng nhất của Ban Liên lạc chính là tổ chức được một cuộc gặp mặt toàn thể anh chị em cán bộ kháng chiến Thủ đô nhân dịp kỷ niệm ý nghĩa này. Mà như lời các thành viên trong Ban Liên lạc thì đây cũng có thể sẽ là lần cuối cùng anh chị em còn được gặp mặt toàn thể, bởi một lẽ sau 5 năm nữa (nhân dịp kỷ niệm 75 năm) thì chắc chắn số người đến dự không còn như mong muốn. Với các bác, gặp mặt không chỉ là đến để nhận những món quà hay nghe những bài phát biểu, mà đây là dịp để các bác được nhìn thấy nhau, bắt tay nhau và hỏi thăm sức khỏe của nhau, cùng nhau ôn lại những năm tháng chiến đấu gian khổ để bảo vệ Thủ đô. 
Trong những năm trước đây, khi tổ chức buổi gặp mặt, Ban Liên lạc đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo Thành phố cùng sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các nhà tài trợ, một số mạnh thường quân. Điều đó đã thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu, mồ hôi, công sức cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do và sự phát triển của đất nước, của Thủ đô. 
Tổ chức cuộc gặp mặt lần này, các bác cũng mong muốn rằng: “Ở cái tuổi gần đất xa trời, sức khỏe giảm sút, nhưng chúng tôi vẫn có thể giúp lớp trẻ hôm nay hiểu hơn về một thế hệ quyết tử của Thủ đô huyết lệ, để các cháu thêm hiểu và trân trọng lịch sử, từ đó sống có ích hơn cho xã hội” (Lời Đại tá Nguyễn Trọng Hàm - Trưởng ban Liên lạc Trung đoàn Thủ đô).
 
 
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm - Trưởng ban Liên lạc Trung đoàn Thủ đô
 
Hy vọng rằng, mong muốn cháy bỏng đó của Ban Liên lạc cán bộ kháng chiến Thủ đô sẽ được trở thành hiện thực.
 
Nguyễn Khánh Hồng - Phòng Trưng bày Tuyên truyền
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...