Người đặt nền móng cho tiến trình đổi mới

1276
February 08, 2017
“…Tổng bí thư Trường Chinh - một nhân cách lớn, người cộng sản kiên cường mẫu mực, nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất, nhà lý luận, nhà văn hóa nổi tiếng, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc, được nhân dân và bạn bè Quốc tế kính trọng. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được ghi vào lịch sử cùng với những sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX” (Lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi khai mạc triển lãm nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trường Chinh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh). 
Đồng chí Trường Chinh sinh ra trong một gia đình tri thức yêu nước ở vùng quê giàu truyền thống lịch sử văn hoá: Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Truyền thống của quê hương và gia đình đã giáo dục, rèn luyện và hun đúc nên lý tưởng cách mạng của đồng chí. Năm 18 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào yêu nước rồi gia nhập Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí. Qua tìm hiểu “Đường kách mệnh” và các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, Mác - Lênin, từ một người yêu nước đồng chí đã trở thành người cộng sản.
Trong mười năm hoạt động đầu tiên, đồng chí Trường Chinh bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò 2 lần, và cả 2 lần bị đày lên Nhà tù Sơn La.
 
 
Ảnh đồng chí Trường Chinh do mật thám Pháp chụp
 
Ngày 14/11/1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại khu vực chân Cột Cờ, Hà Nội, bị giải về Sở Mật thám tra hỏi, lấy cung, sau đó chuyển sang giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, đồng chí mang số tù 98290, là một trong những tù nhân được liệt vào dạng “nguy hiểm”. Trong thời gian bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, mặc dù bị quản thúc và theo dõi chặt chẽ, thậm chí còn bị phạt giam vào khu Ngục tối (Cachot) vì “tội” tổ chức buổi diễn thuyết nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5/1932. Nhưng đồng chí Trường Chinh vẫn làm báo, nghiên cứu lý luận chính trị và tích cực tham gia sinh hoạt trong chi bộ nhà tù. Đồng chí còn là người lãnh đạo, tổ chức hoạt động đấu tranh của tù nhân. Ngoài ra, đồng chí còn sáng tác nhiều bài thơ để động viên bạn tù giữ vững niềm tin vào Đảng, vào thắng lợi của cách mạng. Bị giam giữ gần một năm, ngày 29/9/1931, đồng chí bị tòa án thực dân kết án 12 năm cấm cố. Tháng 2/1933, đồng chí bị thực dân Pháp đày lên Nhà tù Sơn La trong đoàn tù chính trị gồm 210 người. Tại Nhà tù Sơn La, đồng chí Trường Chinh mang số tù 318, trong thời gian ở đây, hai lần đồng chí bị quản ngục đưa xuống giam tại xà lim ngầm, đó là một dãy phòng giam nằm sâu dưới lòng đất 3m.
 
 
Ngục tối (Cachot), Nhà tù Hỏa Lò,
nơi thực dân Pháp giam giữ đồng chí Trường Chinh, năm 1932
 
 Tháng 11/1933, đồng chí lại chuyển về giam tại Nhà tù Hỏa Lò, đồng chí tiếp tục tham gia củng cố lại tổ chức và sinh hoạt của chi bộ đảng trong tù. Tháng 5/1935, đồng chí cùng 50 tù chính trị khác bị đày đi nhà tù Sơn La. Đến nhà tù Sơn La lần thứ hai, đồng chí Trường Chinh mang số tù 4956, lần này đồng chí bị bọn cai ngục quản thúc chặt chẽ hơn và phải tham gia các hoạt động lao dịch nặng nhọc. Năm 1936, Mặt trận nhân dân Pháp lên nắm quyền, sắc lệnh ân xá tù chính trị ở Đông Dương được ban hành, đồng chí được trả tự do cùng với nhiều tù nhân khác.
Khi bị bắt, ở tù cũng như lúc hoạt động công khai, đồng chí Trường Chinh đã đem hết nghị lực, trí tuệ và nhiệt tình cách mạng để truyền bá chủ trường, đường lối của Đảng, góp phần bồi dưỡng lý luận và tinh thần cách mạng cho đông đảo cán bộ và nhân dân, trong đó có nhiều người đã trở thành nhân vật cốt cán của cách mạng Việt Nam.
Cống hiến đặc biệt quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã đi vào tiềm thức của nhân dân ta chính là vì đồng chí đã đặt nền móng cho công cuộc đổi mới. Năm 1986, ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, đồng chí đã đề ra chủ trương đổi mới. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI, đồng chí đã nói “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Đại hội VI đã trở thành đại hội đổi mới, đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam, một bước ngoặt trong tư duy lý luận của Đảng ta.
 
 
Từ phải sang trái: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, 
Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Việt Bắc
 
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã thể hiện là một học trò xuất sắc và là một trong những người bạn chiến đấu gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Trường Chinh đã đến với cách mạng thông qua các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc và gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào thành công Hội nghị, đánh dấu sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết. Kể từ đó, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn soi sáng cho mọi hoạt động lý luận và thực tiễn của đồng chí Trường Chinh.
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Trưng bày Tuyên truyền
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...