Những người góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh

2097
February 18, 2017
Trong thời gian qua, một số Công ty Lữ hành khi đưa các đoàn khách mang quốc tịch Hoa Kỳ tới tham quan di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, đã liên hệ với ông Chuck Searcy - một cựu chiến binh Mỹ, người từng có thời gian tham chiến tại Việt Nam trong những năm cuối của thập kỷ 60, nay là  thành viên của tổ chức “Cựu chiến binh vì hòa bình Hoa Kỳ (VFP)”. Chuck Searcy đã nói chuyện với du khách về dự án rà phá bom mìn, giải quyết các di chứng của chiến tranh mà tổ chức VFP đang thực hiện ở Việt Nam.
 
 
Ông Chuck Searcy cùng cán bộ rà phá bom mìn
 
Chuck Searcy là một trong những người Mỹ có đóng góp lớn cho việc hàn gắn vết thương sau cuộc chiến của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Ông từng tham chiến ở miền Nam Việt Nam từ tháng 6/1967 đến tháng 6/1968 với vai trò là chuyên gia phân tích tình báo của quân đội Mỹ.
Trước khi vào cuộc trò chuyện với Chuck Searcy, đoàn khách tham quan sẽ được Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò giới thiệu bộ phim “Câu chuyện sau chiếc bình hoa” - một câu chuyện về cựu phi công Mỹ Walter Eugene Wilber, người từng tham chiến tại Việt Nam, khi phi cơ của ông bị bắn rơi, ông đã được những người dân Việt Nam cứu sống. Cho tới khi bị đưa về tạm giam tại Hỏa Lò, Walter Eugene Wilber lại tiếp tục nhận được sự đối xử nhân đạo, khoan hồng từ phía Chính phủ Việt Nam… Để rồi từ đó, người con trai thứ hai của ông đã thay cha thực hiện những chuyến đi ân nghĩa, kết nối những con người sống ở hai bên bán cầu, từng là những người ở hai chiến tuyến lại gần nhau hơn. Đó là một câu chuyện phim đầy cảm động, mang tính nhân văn sâu sắc. 
 
 
 Du khách xem phim "Câu chuyện sau chiếc bình hoa" tại di tích lịch sử Nhà tù Hoả Lò
 
 
 Chuck Searcy kể những câu chuyện về đất nước và con người Việt Nam
 
Bộ phim là chất “xúc tác” để bắt đầu cho những câu chuyện mà Chuck Searcy muốn chia sẻ tới đoàn khách khi đến tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Những người đến từ đất nước Hoa Kỳ hôm nay sẽ có được lời giải thích khách quan về cuộc chiến tranh mà quân đội Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam. Được nghe chính người trong cuộc nói về những “day dứt” mà ông và những cựu chiến binh Mỹ vẫn luôn mang trong lòng khi mà cuộc chiến đã kết thúc. Chính vì vậy Chuck Searacy đã quyết định quay trở lại Việt Nam từ năm 1995. Cho đến nay, ông đã sống và làm việc tại Việt Nam được hơn 20 năm. 
Những dự án mà tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP) đang thực hiện tại Việt Nam như: Rà phá bom mìn; hướng dẫn mọi người làm thế nào để an toàn, làm thế nào để nhận dạng những mối nguy hiểm, để hiểu được những hậu quả nếu họ đụng chạm vào bom mìn chưa nổ. Hướng dẫn  người dân làm thế nào để tránh các tai nạn và cách thức thông báo về những quả bom mà họ tìm thấy ngay lập tức với các đội rà phá… Qua đó cho thấy, nhiều người Mỹ cảm thấy có trách nhiệm về những gì xảy ra trong chiến tranh và cố gắng kết thúc những vấn đề vẫn còn gây ra nhiều thiệt hại đối với Việt Nam. Những hệ quả của chiến tranh vẫn còn dai dẳng, như bom mìn chưa nổ hay chất độc da cam. Vì vậy không ít người Mỹ, đặc biệt là các cựu chiến binh như Chuck Searacy luôn nhận thấy phải đóng góp sức mình cho quá trình hàn gắn và khép lại di chứng của chiến tranh. 
 
 
Ông Chuck Searcy (giữa), người từng tham chiến ở miền nam Việt Nam
những năm cuối 1960 và hiện là cố vấn quốc tế của Dự án RENEW, tham dự tọa đàm Việt-Mỹ
 
Qua những việc làm cụ thể mà Chuck Searacy cùng những người bạn của mình đã và đang làm ở Việt Nam đã gây ấn tượng sâu sắc cho nhiều vị khách: Có những giọt nước mắt lăn ra từ khóe mắt người nghe; có những người chợt dâng lên sự xúc động nghẹn ngào… Rõ ràng, những người Mỹ được sinh ra sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc khó mà hiểu hết về cuộc chiến. Trường học ở Mỹ không dạy nhiều về chiến tranh Việt Nam. Những dự án như “The Return to Vietnam Project” (Trở lại Việt Nam); dự án “Project Renew”(Rà phá bom mìn hay Dọn dẹp tàn tích chiến tranh) do các cựu chiến binh Mỹ đang thực hiện là để giúp thế hệ trẻ Mỹ hiểu hơn về lịch sử và những bài học người Mỹ có thể rút ra được từ cuộc chiến tranh Việt Nam.
Nói về cuộc chiến tranh Việt Nam của quân đội Mỹ, Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert S.McNamara từng thừa nhận: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy”.
Con đối với người Việt Nam, dù trước đây những người lính Mỹ là kẻ thù, nhưng hôm nay họ là những người bạn, họ quay trở lại Việt Nam để hiểu hơn về con người Việt Nam, để thúc đẩy hòa bình, hữu nghị hợp tác, đúng như lời phát biểu của ông Bùi Thế Giang một cựu chiến binh, hiện là Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng kiêm Phó Chủ tịch Hội Việt - Mỹ: “Người Việt Nam đã gác lại một phần lịch sử đau thương và tha thứ cho người Mỹ. Việt Nam có thể phát triển như ngày nay là nhờ sự tha thứ và vươn lên. Nếu cứ giữ tâm lý thù hằn thì không thể phát triển”.
Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò hôm nay đã và đang là cầu nối để những người yêu hòa bình xích lại gần nhau hơn; là nơi giúp thế hệ trẻ Mỹ hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam, về truyền thống của dân tộc Việt Nam; hiểu hơn về lý do tại sao nhiều cựu chiến binh Mỹ muốn quay trở lại Việt Nam khi mà chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây hơn 40 năm.
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Trưng bày Tuyên truyền
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...