Nhớ về cuộc vượt ngục “thần kỳ” tháng 3/1945 (phần 3)

2828
April 07, 2017
Cuộc vượt ngục tháng 3/1945 thành công một cách thần kỳ nhờ "ba cái có" của anh em tù chính trị là: “có lòng dũng cảm, có mưu trí, sáng tạo và còn có cả máu mạo hiểm!" đó là lời đúc kết thú vị của đồng chí Nguyễn Huy Hòa, Phó Giám đốc thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nhân chứng tham gia trực tiếp cuộc vượt ngục.
 
Kế hoạch vượt ngục bằng cách trèo tường thất bại, đồng chí Trần Tử Bình và các đồng chí trong Ban lãnh đạo tiếp tục bàn các phương án vượt ngục, dù có phải hy sinh, vất vả đến mấy cũng phải tìm cách ra cho bằng được.
 
 
Đồng chí Trần Văn Cử, tù chính trị nhà tù Hỏa Lò 
(giai đoạn 1930 - 1945)
 
Trưa ngày 11/3/1945, bọn Nhật đưa 2 người tù ở Sơn La về giam tạm trong trại J (Trại giam trẻ em) đợi ngày cho ra. Trong lúc nhốn nháo, ba đồng chí Vân, Hòa, Cử đã lẻn vào theo để tìm chỗ trốn. Vào đây, các đồng chí nhìn thấy một nắp cống: “Anh em đã suy nghĩ về phương án chui cống với phỏng đoán: nước thải phải chảy xuôi, thoát ra một hồ lớn hay ra sông Hồng; vậy cứ theo đường nước thải là có thể thoát… Phải chuẩn bị một bao diêm và một thanh sắt để mỗi khi đến chỗ giao nhau của đường cống thì bật diêm nhìn dòng nước chảy mà đi, còn gặp rào cản thì dùng thanh sắt mà phá. Khi bật nắp cống lên thì phải dùng đến xà beng. Xà beng là thanh sắt dày 3cm, dài 40cm, nhờ giao dịch với cánh thường phạm mà có.Đúng dự kiến, từ cống cái, tôi và anh Hòa gặp đoạn cống nhỏ, ngập đầy phân, phải trườn bằng cùi tay và đẩy bằng gót chân. May nhất là không gặp rào cản… Khi chui lên khỏi cống, một số tù nhân nhìn thấy, xô lại hỏi nhưng cả hai lắc đầu: “Gay go lắm. Tắc. Chả ăn thua”. Chờ mọi người tản ra, chúng tôi mới nháy mắt báo Vân: “Đi được rồi! Thấy cả xe đạp trên đường…” (trích hồi ký đồng chí Trần Văn Cử, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ, trẻ em).
 
Khách tham quan chăm chú lắng nghe những câu chuyện thú vị
về cuộc vượt ngục của hơn 100 tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, tháng 3/1945
 
Các đồng chí khẩn trương báo tin này cho đồng chí Trần Tử Bình để bàn tính kế hoạch cụ thể. Đồng chí Trần Tử Bình cũng xác định rằng đường chui cống là tốt, có thể ra được, nhưng đi đông quá dễ bị lộ, nên số người đi đợt đầu chỉ chọn 30 người, trong đó có các đồng chí bị án nặng. Số còn lại sẽ tiếp tục đi các đợt sau. Danh sách các nhóm đi sau được đồng chí Trần Tử Bình Bình bàn giao lại cho đồng chí Nguyễn Lam.
19 giờ 30 ngày 11/3/1945, đồng chí Trần Tử Bình hạ lệnh mở nắp cống. Cuộc vượt ngục tập thể ở nhà tù Hỏa Lò bắt đầu. Nhóm đi đầu tiên gồm 4 đồng chí Trần Tử Bình, Trần Huy Hòa, Nguyễn Tuân, Phan Lang (tức Vân). Sau đó lần lượt các nhóm khác. Lòng cống tối om, mùi hôi thối, bùn lầy, rác rưởi, đủ mọi thứ bẩn thỉu, nhưng anh em vẫn quyết tâm, bò, trườn chui ra cho bằng được.
Sau 30 phút, đồng chí Hòa đi đầu đã phát hiện ánh sáng chiếu qua khe hở của nắp cống. Mọi người rất mừng, vì đã đến chỗ lên rồi. Đồng chí Hòa từ từ đẩy nắp cống và chui đầu lên, không thấy động tĩnh gì, đồng chí nói nhỏ với đồng chí Trần Tử Bình: "Lên thôi, không có ai đâu".
 
Đồng chí Nguyễn Huy Hòa, tù chính trị nhà tù Hỏa Lò 
(giai đoạn 1930 - 1945)
 
“ …Khi bật nắp cống chui lên mới thấy phía bên kia là vườn hoa Mê Linh, từ đây thấy rõ hai tháp canh ở hai góc nhà tù có lính Nhật đứng gác, sau lưng là bức tường cao cắm đầy mảnh chai của nhà tù nằm dọc đường Quán Sứ” (trích hồi ký của đồng chí Nguyễn Huy Hòa).
Nhóm đồng chí Nguyễn Cao Đàm, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Cử chui lên cống ở phía đường Hai Bà Trưng, đi ra phía bờ sông Hồng. Các đồng chí nhanh chóng về Đông Mỹ, Thanh Trì, rồi tìm về làng Vạn Phúc bắt liên lạc với cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ. Các nhóm khác đều chui lên an toàn.
Những ngày sau đó, số anh em còn lại tiếp tục vượt ngục cũng bằng đường chui cống. Ước tính anh em tù chính trị ở Hỏa Lò vượt ngục trong thời gian này có đến hơn 100 đồng chí, trong đó có nhiều đồng chí sau này trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng.
Đây là cuộc vượt ngục thành công trọn vẹn lần thứ hai của các chiến sỹ cộng sản ở nhà tù Hỏa Lò, đáp ứng kịp thời nhu cầu cán bộ lãnh đạo tại các địa phương để tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
 
Lại Thị Minh Thu, Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm 
Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...