Một con người gang thép (phần 1)

2783
July 13, 2017
Côn Đảo giờ đây đã trở thành thiên đường du lịch nhưng ở thiên đường ấy có nơi Tổng Bí thư Lê Hồng Phong nằm yên nghỉ vĩnh viễn sau những năm tháng bị thực dân Pháp đày ải ở chốn địa ngục trần gian.
 
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Chứng kiến những cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh yêu nước của đồng bào ta bị kẻ thù đàn áp đẫm máu, Lê Hồng Phong sớm nuôi trong mình hoài bão đi theo con đường cách mạng để cứu nước.
 
Ngôi nhà, nơi sinh ra và lớn lên đồng chí Lê Hồng Phong
tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An
 
Năm 1924, ở Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí gia nhập Tâm Tâm xã (một tổ chức cách mạng do Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu thành lập). Cuối năm 1924, khi đến Quảng Châu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức lại Tâm Tâm xã, thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Lê Hồng Phong là một trong những học trò đầu tiên được Người giác ngộ đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường vô sản.
Tháng 10/1926, đồng chí Lê Hồng Phong được cử sang Liên Xô, học tại Trường Lý luận quân sự không quân ở Lêningrát. Sau khi tốt nghiệp, đồng chí tiếp tục theo học Trường đào tạo phi công quân sự ở Bôrítxgơlépxcơ và được cử học tại Trường Đại học Phương Đông (1928 - 1931).
 
Đồng chí Lê Hồng Phong trong bộ quần áo phi công 
của Hồng quân Liên Xô
 
Đầu năm 1932, đồng chí về Quảng Tây gần biên giới Việt - Trung mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ, gây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng. 
Tháng 3/1934, Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (còn gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài) được chính thức thành lập tại Ma Cao (Trung Quốc), có chức năng như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư.
Tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản (họp từ ngày 25/7 đến 21/8/1935), Đảng ta được công nhận là phân bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong (với bí danh Hải An) được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.
 
Thẻ dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản của 
đồng chí Lê Hồng Phong (bí danh Hải An)
 
Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản kết thúc, Lê Hồng Phong trở lại Thượng Hải (Trung Quốc). Khi đó, Đại hội toàn quốc lần thứ I của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc) đã bầu đồng chí Lê Hồng Phong (được bầu vắng mặt) làm Tổng Bí thư của Đảng.
Tháng 7/1936, đồng chí Lê Hồng Phong cùng với Trung ương Đảng triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Thượng Hải đồng thời quyết định thành lập Mặt trận thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương, đặt tiền đề cơ sở cho cao trào đấu tranh dân chủ diễn ra trong cả nước thời gian sau đó.
Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về hoạt động tại Sài Gòn, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng. Lúc này, đồng chí cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định chuyển Mặt trận thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương nhằm tập hợp đông đảo quần chúng, tranh thủ mọi lực lượng tham gia vào cuộc đấu tranh đòi tự do ngôn luận, đòi dân sinh, dân chủ và chống phát xít.
 
Nhân dân mít tinh tại khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô),
Hà Nội, ngày 1/5/1938
 
Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc. Sau khi hết hạn 6 tháng tù giam, chúng buộc đồng chí phải về quê nhà Nghệ An để theo dõi, giám sát. 
 
Đồng chí Lê Hồng Phong (Lê Huy Doãn), ngày 22/6/1939
 (ảnh do Sở Mật thám Pháp chụp)
 
Tháng 1/1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt lần thứ hai, giam ở Khám Lớn - Sài Gòn. Mật thám Pháp đã dùng đủ mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ nhưng vẫn không lay chuyển được đồng chí. 
 
Khám Lớn (Maison Centrale de Sai Gon), nơi thực dân Pháp 
giam đồng chí Lê Hồng Phong
 
Biết đồng chí là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, thực dân Pháp đã buộc tội Lê Hồng Phong là người chịu trách nhiệm tinh thần của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc, đày ra nhà tù Côn Đảo. (Còn tiếp phần 2)
 
Nguyễn Thị Sâm tổng hợp và biên soạn
Nguồn:
- Lê Hồng Phong - Tiếu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007.
- Lê Hồng Phong - Người cộng sản kiên cường, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...