Vượt ngục Hỏa Lò, tháng 3/1945 (phần 1)

7688
September 05, 2017

Từ nhà tù Hỏa Lò, hàng trăm chiến sỹ cộng sản đã thoát ngục, tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng tại các địa phương, cung cấp một lực lượng lớn cán bộ lãnh đạo cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, năm 1945.
 
Mặc dù bị giam cầm trong bốn bức tường của Nhà tù Hỏa Lò, nhưng hàng ngày, các chiến sỹ cộng sản vẫn theo dõi tình hình cách mạng bên ngoài. Một số đồng chí mới bị bắt vào tù thông báo về sự kiện Trung ương Đảng vừa họp Hội nghị lần thứ Tám và đã nhận định tình hình Nhật sẽ hất cẳng Pháp ở Đông Dương.
Những thông tin ấy, làm tăng lên niềm hy vọng của những người tù cộng sản, họ chờ đợi ngày Nhật - Pháp bắn nhau vì đó là cơ hội độc nhất để họ có thể nổi dậy, xông ra chiến trường, chiến đấu.
 
 
Toàn cảnh Nhà tù Hỏa Lò
 
Và ngày chờ đợi ấy đã đến! 
Tối ngày 9/3/1945, bỗng nhiên đèn điện toàn thành phố vụt tắt, tiếng đại bác nổ rồi đến những tràng liên thanh không ngớt. Ngoài sân nhà tù, tiếng chân người chạy huỳnh huỵch, các chiến sỹ cộng sản đều vui mừng, đập tường gọi nhau:
- Anh em ơi! Nhật - Pháp bắn nhau rồi!
Sự vui mừng lộ rõ trên nét mặt của những người tù cộng sản.
Khoảng 11h00 đêm ngày 9/3/1945, quân Nhật chiếm Nhà tù Hỏa Lò. Lúc này, toàn bộ hệ thống quản lý từ giám ngục, giám thị, lính canh, viên chức của Pháp đều hoảng loạn. Lập tức ở các buồng giam có những cuộc trao đổi ý của các đảng viên cộng sản để nhận định tình hình và xác định phương thức hành động. Mặc dù không có sự thảo luận chung nhưng tất cả các trại đều thống nhất chủ trương: “Kiên quyết giữ vững lập trường, khí tiết của người cộng sản; triệt để tranh thủ lúc tình hình còn rối ren, quân Nhật chưa vững chân, tạo mọi cơ hội khẩn trương vượt ngục, đây là thời cơ có một, không hai”
Từ chủ trương trên và với khát khao được tự do để tiếp tục sự nghiệp hoạt động cách  mạng, hàng trăm chiến sỹ cộng sản đã lợi dụng mọi thời cơ, bằng nhiều hình thức vượt ngục, thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò vào tháng 3/1945. 

Phần 1: Vượt ngục Hỏa Lò bằng cách “Thăng thiên”
Ngày 11/3/1945, lợi dụng quân Nhật mở cửa cho tù nhân ra ăn cơm, trong lúc tình hình lộn xộn, đồng chí Trần Đăng Ninh cùng các đồng chí  Lê Trọng Nghĩa, Lê Tất Đắc và một số đồng chí khác trốn khỏi xà lim, lên trạm xá, giả vờ ốm nằm đắp chăn rên hừ hừ. Đến chiều, các đồng chí tìm cách sang được trại tù thường phạm.
 
Trạm xá Nhà tù Hỏa Lò 
 
Tại đây, đồng chí Trần Đăng Ninh đã vận động thêm một số tù thường phạm cùng tham gia vượt tường nhà tù. Để chuẩn bị, họ cùng nhau xé chăn, nối lại thành những chiếc dây dài, dùng làm thang khi trèo tường. Trước khi vượt ngục, mọi người hứa với nhau nếu bị lính Nhật ở bốt gác bắn thì ai trúng đạn chết đành chịu, ai bị thương nặng thì nằm lại, còn những người bị thương nhẹ thì cũng phải cố mà chạy cho thoát. 
Kế hoạch thực hiện được tiến hành, đồng chí Trần Đăng Ninh và anh em, dùng thang làm bằng chăn, lần lượt trèo lên mái nhà, leo lên tường rồi nhảy xuống phố. Khi đồng chí Trần Đăng Ninh đang trèo lên đến giữa thang thì thấy tiếng một tên lính Nhật ở chòi canh bên kia gọi sang chòi canh bên này. Mặc dù không biết tiếng, nhưng các đồng chí cũng đoán là chúng báo tin cho nhau có tù trốn. Mọi người không dám hé răng, nhưng cũng tự nhủ, dù chết cũng phải ra, hy sinh cũng không tiếc.
 
 
Tường bao và hành lang Nhà tù Hỏa Lò
 
Đồng chí Trần Đăng Ninh cố vượt qua bức tường, nhảy xuống bám chặt vào chiếc cột điện, bị điện giật tê người nhưng vẫn cố gắng chịu đựng rồi nhảy xuống đường nằm im chờ súng Nhật nổ. Nhưng chờ mãi, không nghe thấy súng nổ mà chỉ thấy tiếng anh em tù nhân chạy trên nóc nhà, ngói xô vào nhau rầm rầm. Hai ba phút sau vẫn không thấy tiếng động, đồng chí từ từ đứng nép vào gốc cây sấu rồi lần ra bãi Bạch Lưu, đứng cạnh nhà máy nước đợi các anh em. Sau đó, các đồng chí Lê Trọng Nghĩa, Vũ Kỳ, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Kha, Nguyễn Trần Châu, Trần Ngọc Chi, Nguyễn Văn Ngọc cũng vượt được tường ra ngoài.
Cũng trong đêm 11/3/1945, các chị em khu trại giam Nữ tìm mọi cách sang được khu tù thường phạm và chia thành 3 nhóm, thực hiện trèo tường đúng theo kế hoạch của anh em bên trại giam Nam. Mười lăm nữ tù nhân được chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm các chị Trương Thị Mỹ, Tô Thị Minh Đức, Hoàng Thị Ái, Nguyễn Thị Nhạn và Nguyễn Thị Chính. Khi chị Nhạn được phân công đi đầu tiên, khi đã trèo lên được đến mặt tường thì bị lính Nhật phát hiện ra. Tên lính Nhật định dùng lưỡi lê đâm chị Nhạn nhưng chị Hoàng Thị Ái đã thông minh, nói khéo với tên lính Nhật nên chúng cho chị Nhạn trèo xuống. Khi ấy các chị khác đang nằm trên mái nhà, thấy tình hình bất lợi đã tụt xuống và quay trở lại phòng giam. Cuộc vượt ngục bằng cách trèo tường không thành công nhưng các chị vẫn không từ bỏ ý định của mình.
 
 
Khu trại giam Nữ - Nhà tù Hỏa Lò
 
Những ngày sau đó, lính Nhật cho người nhà đến thăm tù nhân khá đông, kẻ ra người vào rất lộn xộn. Lợi dụng tình hình này, các chị nghĩ ngay đến việc nhờ người nhà tiếp tế những bộ quần áo thường, mặc vào, trà trộn với đoàn người đến thăm trốn thoát ra ngoài bằng đường cổng chính như: chị Phạm Thị Vân (Hoàng Ngân), Trương Thị Mỹ, Phạm Thị Lê Hải…
Sau khi thoát khỏi Nhà tù Hỏa Lò, các chiến sỹ cộng sản nhanh chóng trở về các địa phương, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đáp ứng kịp thời nhu cầu cán bộ lãnh đạo phong trào trong thời gian này (Còn tiếp).
 
                                                      Tổng hợp và biên soạn: Đào Thị Huệ 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...