Vượt ngục Hỏa Lò, tháng 3/1945 Phần 2: Cuộc đại vượt ngục bằng cách “độn thổ”

7567
September 22, 2017
Tin đồng chí Trần Đăng Ninh và một số anh, chị em tù nhân thoát ngục đã làm cho toàn thể tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò rất vui mừng và ai cũng mong muốn, nhân cơ hội này thoát khỏi Nhà tù Hỏa Lò, tiếp tục tham gia vào phong trào cách mạng bên ngoài. 
Sau thời gian quan sát, nắm bắt tình hình, các đồng chí đảng viên cốt cán đã khẳng định, muốn tiếp tục vượt ngục thì phải tìm cách di chuyển sang được khu tù thường phạm vì việc canh gác ở khu vực đó lỏng lẻo, tình hình rất lộn xộn. Nhân khi thấy một tù thường phạm đội cơm đi qua, đồng chí Trần Tử Bình (Trưởng Ban sinh hoạt Nhà tù) đã lấy lời lẽ thuyết phục, rồi cho anh ta ít tiền để anh ta đổi quần áo và nhường cho thùng cơm. Với bộ quần áo thường phạm và thùng cơm trên đầu, đồng chí Trần Tử Bình đàng hoàng đi qua mặt tên lính Nhật đang đứng gác, sang khu trại giam J.
 
 
          Khu vực trại giam J, I - Nhà tù Hỏa Lò
 
Tại đây, đồng chí Trần Tử Bình nhận thấy một số tù thường phạm đang phá nền xi măng phòng giam, định đào tường hầm, thoát ra ngoài! nhưng đồng chí nhận định, cách làm này sẽ mất thời gian và khó thành công. Đang quẩn quanh quan sát, bỗng đồng chí chú ý đến một tấm ximăng hình vuông, có vòng sắt ở giữa: “Tấm ximăng đã hút chặt ánh mắt tôi, thu hết tâm trí tôi, gây nên trong tôi một sự hồi hộp lạ thường. Có thể là lối ra đây rồi! Đó là một chiếc nắp đậy cửa cống ngầm. Mà đường cống ngầm thì nhất định không chỉ loanh quanh trong nhà giam. Chiếc nắp cống đã gợi cho tôi nhớ lại những chuyện vượt ngục xảy ra trong thực tế và trong tiểu thuyết” (Trích hồi ký “Từ Phú Riềng Đỏ đến mùa Thu Hà Nội…”).
 
 
   Đồng chí Trần Tử Bình - Người lãnh đạo cuộc vượt ngục 
 
Trưa hôm đó, có hai tù nhân mới từ Sơn La về, đợi ngày được tha, quân Nhật đưa vào giam tại trại giam J. Lợi dụng lúc nhốn nháo, ba đồng chí Vân, Hòa, Cử cùng lẻn vào theo. Gặp nhau tại trại giam J, đồng chí Trần Tử Bình đã kể với ba đồng chí về việc phát hiện ra nắp cống và bàn phương án tìm cách vượt ngục bằng đường cống ngầm.
 
 
Cửa cống ngầm trước sân trại giam J
 
 Ngay lập tức, việc chuẩn bị cho kế hoạch vượt ngục bằng đường cống ngầm được thực hiện. Chờ lúc vắng người, đồng chí Phan Lang (tức Vân) canh gác để  đồng chí Nguyễn Huy Hòa và Trần Văn Cử bật nắp cống, chui xuống tìm đường ra: “…Chúng tôi bắt đầu mở nắp cống chui xuống. Cống chính chỉ có một quãng độ hơn chục thước rộng, đến đoạn cống hẹp chỉ khoảng hơn 20cm đường kính, phân và rác ngập đến nửa người, phía trên là gián. Chúng tôi không hề có ý sợ sệt, cứ tiếp tục bò. Đến một quãng rộng chia cống thì chúng tôi băn khoăn không biết đi theo đường nào. Chúng tôi đánh diêm lên soi và quyết định cứ theo đường nước chảy mà đi. Đến chỗ đoạn cống có tia sáng chiếu xuống, chúng tôi bàn nhau đến xem thế nào. Khi nghếch mắt lên nhìn qua lỗ thủng có ánh sáng chiếu xuống thấy có xe đạp đi trên đầu mình, chúng tôi rất vui mừng vì biết đó chính là đường phố” (Lời kể của đồng chí Trần Văn Cử - Cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò).
 
 
Đồng chí Trần Văn Cử (bên trái) và đồng chí Nguyễn Huy Hòa 
 
Sau khi đã chắc chắn tìm được đường ra, đồng chí Hòa, Cử, Vân báo cáo tình hình với đồng chí Trần Tử Bình, kế hoạch chui cống ngầm trước sân trại J được ấn định. 16 giờ chiều ngày 12/3/1945, tổng số 29 đồng chí có án nặng được cử trốn đợt đầu đã tìm cách sang được trại J. Theo kế hoạch, các đồng chí được phân chia theo nhóm, mỗi nhóm khoảng 3 - 4 người, khi  ra được khỏi nhà tù sẽ tự động phân tán, tìm về cơ sở để bắt liên lạc với Đảng. 
19 giờ 30 ngày 12/3/1945, đồng chí Trần Tử Bình hạ lệnh mở nắp cống. Cuộc vượt ngục tập thể của tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò bắt đầu. Nhóm đầu tiên gồm 4 đồng chí Trần Tử Bình, Trần Quang Hòa, Nguyễn Tuân, Phan Lang (tức Vân). Sau đó lần lượt các nhóm khác đi tiếp sau: “…Lòng cống tối om, mùi hôi thối bốc ra từ  cái chất nhầy với đủ loại rác rưởi với phân người làm ai cũng muốn nôn mửa. Ấy thế mà chẳng ai bịt mồm, bịt mũi vì còn mải chui…Tới chỗ hẹp, tôi phải nằm thẳng người ra, duỗi dài hai cánh tay về phía trước, dùng sức khửu tay, chống ngón chân mà nhích, nước bùn hôi thối ngập đến cằm, thỉnh thoảng tôi lại đụng  đầu vào chân người trước hoặc đạp chân mình vào người bò sau…” (Trích hồi ký “Từ Phú Riềng Đỏ đến mùa Thu Hà Nội…”).
Khoảng 30 phút bò trong đường cống, đồng chí Nguyễn Huy Hòa đi đầu đã phát hiện ra ánh sáng chiếu qua khe hở của nắp cống. Đồng chí dùng hết sức lực, đẩy nắp cống và chui đầu lên, không thấy động tĩnh gì, đồng chí quay lại, thông báo với mọi người đi sau và chui lên mặt đất .
Bằng cách đó, lần lượt 29 đồng chí lên được mặt đất, tìm đường về các địa phương, bắt liên lạc với Đảng. Những ngày sau đó, số anh em tù chính trị còn lại tiếp tục vượt ngục bằng đường cống ngầm trước sân trại J. Ước tính số lượng vượt ngục trong thời gian này lên tới hơn 100 đồng chí.
                                            Tổng hợp và biên soạn: Đào Thị Huệ
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...