Tình thương của mẹ

2803
September 01, 2016
Cuộc sống hiện đại ngày nay, bị cói ít được người dân sử dụng nhưng giữa thế kỷ XX, bị là đồ dùng quen thuộc của các bà, các mẹ dùng khi đi chợ, đựng đồ hay làm túi xách cho học sinh. Tại di tích Nhà tù Hỏa Lò hiện nay đang trưng bày chiếc bị - một hiện vật tượng trưng cho tình thương bao la của người mẹ đồng thời ẩn chứa nét văn hóa rất đỗi thân thương của người Việt.
 
Ngày 3/5/1951, hai người con của bà Đỗ Thị Gẩy là Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Thị Cốm bị thực dân Pháp bắt vì tham gia hoạt động du kích ở xã Nhân Chính, Hà Nội. Sau hai tháng bị giam, tra tấn ở nhiều nơi (bốt Ngã Tư Sở, nhà đá Hàm Long, Nha Công an Bắc Việt), hai nữ chiến sỹ bị đưa sang Nhà tù Hỏa Lò.
Cuộc sống của nữ tù nhân trong Nhà tù Hỏa Lò thời kỳ này đã được nữ chiến sỹ Nguyễn Thị Hồng miêu tả qua những dòng hồi ký: “Chỗ ăn ở của chị em trong đề lao rất khổ cực, mỗi người chỉ được hai gáo dừa nước dùng cả ngày. Ở giữa sân có một cây bàng, chúng tôi phải lấy cành bàng làm đũa, cơm thì trộn lẫn với cám, chan nước canh vào thì cám nổi lềnh bềnh. Thức ăn hàng ngày là rau già, cá thối, thỉnh thoảng được nửa miếng thịt bò, nước mắm thối. Mấy năm trời ở đề lao, tôi không biết đôi quốc là đâu, chăn màn không có, áo rét thì không”.
 
 
Trại giam nữ tù nhân, Nhà tù Hỏa Lò
 
Biết tin hai con bị giam ở Nhà tù Hỏa Lò, bà Đỗ Thị Gẩy rất lo lắng vì cuộc sống trong tù vốn đã khổ cực nhưng đối với con gái lại càng khắc nghiệt hơn. Đều đặn ba lần trong một tháng, bà vào nhà tù để tiếp tế cho hai con. Đồ tiếp tế (quà bánh, thức ăn, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu) được bà để trong bị. Chiếc bị dẻo dai được đan từ những sợi cói của vùng ven biển, có hai quai để cầm hoặc đeo trên vai, rất thuận tiện để bà mang theo khi đi trên đường.
Theo quy định của nhà tù, đồ tiếp tế cho tù nhân bị cai ngục kiểm soát gắt gao, cắt từng mẩu bánh, cục xà phòng để tìm vật chứng khả nghi. Người tiếp tế và tù nhân phải đứng cách xa nhau qua hàng lưới thép mắt cáo. Tranh thủ khoảng thời gian ngắn được gặp con (thông thường từ 10 - 15 phút), bà luôn động viên hai con cố gắng rèn luyện, vượt lên khó khăn của cuộc sống tù đày.
Không phụ lòng mẹ, hai nữ chiến sỹ Hồng và Cốm tích cực tham gia các lớp học văn hoá, chính trị đồng thời là những người hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc của nhà tù thực dân. Nữ tù Nguyễn Thị Hồng còn được Chi bộ bí mật của nhà tù công nhận là đảng viên chính thức ngày 29/7/1952.
Sống trong hoàn cảnh tù đày nhưng nữ tù nhân luôn đoàn kết một lòng, coi nhau như chị em ruột thịt. Quà bánh, đồ dùng do mẹ tiếp tế hàng tháng được hai nữ chiến sỹ san sẻ cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn, không có người thân tiếp tế.
 
 
Một xà lim dùng để giam nữ tù nhân Nhà tù Hỏa Lò
 
Cuối năm 1952, hai nữ tù nhân Hồng và Cốm lần lượt bị thực dân Pháp đưa ra tòa xét xử nhưng vì đã giam quá thời hạn (nữ tù Nguyễn Thị Hồng bị kết án một năm tù giam, nữ tù Nguyễn Thị Cốm bị kết án 9 tháng tù giam) nên chúng buộc phải trả tự do.
Sau khi ra tù, họ đã không ngừng phấn đấu trong quá trình công tác, trở thành những cán bộ nòng cốt của xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), Hà Nội. Nữ chiến sỹ Nguyễn Thị Hồng được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa II (1960 - 1964), khóa III (1964 - 1971) và giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng Công an xã. Nữ chiến sỹ Nguyễn Thị Cốm giữ các chức vụ: Trưởng Công an xã, Phó thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhân Chính.
Hơn sáu thập kỷ đã trôi qua, giờ đây hai nữ chiến sỹ đã lên chức bà. Dấu vết thời gian đã hằn sâu trên gương mặt, nhiều sự việc đã lãng quên cùng quá khứ nhưng thời gian bị giam trong Nhà tù Hỏa Lò, cùng đồng cam cộng khổ, đoàn kết đấu tranh với các chị em thì hai bà luôn nhớ rành rọt từng chi tiết.
 
 
                                                     Bà Nguyễn Thị Hồng                                  Bà Nguyễn Thị Cốm
 
Khi mẹ đã đi xa mãi mãi, chiếc bị được bà Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Thị Cốm gìn giữ vì đó chính là kỷ vật gợi nhớ đến người mẹ kính yêu, đến tình thương bao la của mẹ, luôn sát cánh, động viên hai con trong những năm tháng gian khổ chốn lao tù. Năm 1997, họ đã trao tặng chiếc bị trên cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò để trưng bày, phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu về di tích.
 
 
Phòng trưng bày những hiện vật về cuộc sống, sinh hoạt của tù nhân tại Nhà tù Hỏa Lò
trong đó có bị của bà Đỗ Thị Gẩy dùng đựng đồ tiếp tế cho hai con
 
Nguyễn Thị Sâm, phòng Nghiên cứu Sưu tầm
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...