Người bạn “tri kỷ” của các thế hệ tù chính trị Hỏa Lò (phần 1)

2591
December 12, 2016
Trong cái “địa ngục trần gian” - Nhà tù Hỏa Lò ngày ấy, những cây bàng đã trở thành người bạn rất mực gần gũi, thân thương đối với các tù nhân chính trị. Những trái bàng chín, chứa hàm lượng vitamin cao đã góp phần không nhỏ cứu sống các tù nhân bị ốm vì kiệt sức, thiếu dinh dưỡng hoặc bị tê phù trong những năm 40, 50 của thế kỉ XX. 
 
Ngày hôm nay, trong khuôn viên Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa lò, cây bàng vẫn xanh tươi với sức sống mãnh liệt và bền bỉ, đã truyền cảm hứng cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò nghiên cứu, phát triển những sản phẩm lưu niệm từ cây bàng như một lời tri ân cho các thế hệ tù chính trị Hỏa Lò.
 
 
Bài thơ “Nhắn bạn” của đồng chí Hoàng Văn Thụ in trên lá bàng
 
 
Bài thơ “Vô đề” của đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái in trên lá bàng
 
Đọc những trang hồi ký của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng từng bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, cây bàng hiện ra như vật chứng về cuộc sống cực khổ của tù nhân, về tình đồng đội, đồng chí, về sự mưu trí, dũng cảm của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng. Xin được cung cấp cho bạn đọc những trang hồi ký của các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò:
Trong hồi ký “Nhớ lại một thời không bao giờ quên” của đồng chí Nguyễn Sỹ Huynh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1943, viết:   
 
 
Đồng chí Nguyễn Sỹ Huynh, tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò giai đoạn 1930 - 1945
 
“Từ cuối năm 1943, lúc chúng tôi đến nhà tù Hoả Lò, số tù nhân chính trị ở các trại giam đã lên quá năm trăm người, nên ăn ở rất chật chội, thiếu thốn đủ thứ. Thiếu không khí, ăn uống theo chế độ thường được tù nhân chính trị gọi là mắm, mè, trâu, đậu, thực tế là cá mắm khô thối, cá mè ranh ươn, thịt trâu già, đậu khuôn bị ôi, rau muống vẫn còn đỉa dù đã luộc qua nước sôi mà chưa chết, thỉnh thoảng có những cọng rau dài có thể dùng làm dây thừng phơi quần áo…
Do chế độ ăn uống kham khổ và không gian chật hẹp, môi trường ẩm thấp mất vệ sinh, lượng tù nhân bị ốm khá đông, bị nhiều thứ bệnh (thương hàn, kiết lỵ, tê phù, thổ tả, sưng phổi); số lượng tù nhân bị suy nhược thần kinh trầm trọng lên tới hàng chục, hàng trăm người, và chắc chắn có rất nhiều người đã chết vì bệnh tật, chết vì gió lạnh mùa đông và quá nóng đúng với tên gọi Hoả Lò!
 
 
Quả bàng chín được tù nhân dùng để bồi bổ sức khỏe 
 
Điều gây cho chúng tôi ấn tượng rất mạnh là được các đồng chí cho ăn mấy quả bàng chín, vừa nhặt được ở sân nhà tù. Chúng tôi ngạc nhiên lắm, hỏi ra mới biết trong không gian nhà tù có một số cây bàng vừa che nắng mùa hè, vừa cho quả chín mùa đông, làm thuốc trị bệnh suy dinh dưỡng cho anh em tù nhân mới ốm dậy; và cũng chính là quà đãi các tù nhân mới đến... Thật cảm động! Chính những cây bàng, quả bàng này đã góp phần giúp tôi sớm hồi phục một cơn bệnh sốt chấy rận trầm trọng suýt bỏ mạng, nằm liệt ở bệnh xá nhà tù hơn 3 tháng. Viết đến đây tôi càng quý trọng những cây bàng và những quả bàng chín mọng ở nhà tù Hoả Lò, thực sự đã để lại cho tôi ký ức sâu đậm về tình đồng chí, đồng hương trong những năm tháng không thể nào quên tại nhà tù Hoả Lò. 
 
Cây bàng trong sân Nhà tù Hỏa Lò
 
Sở dĩ tôi có kí ức sâu sắc về các cây bàng và những quả bằng chín ở trại giam Hoả Lò vì sau khi trải qua một trận ốm nặng do bệnh thương hàn, bị cảm lạnh do phải đi tắm từ 5 giờ sáng hàng ngày trong mùa đông giá rét để giữ phần nước mà bọn cai tù đã phân phát cho chúng tôi qua các cuộc đấu tranh đòi được tăng lượng nước cho tù nhân... Qua một thời gian, do không quen thời tiết khí hậu lại tắm vào mùa đông giá rét ở giữa trời, tôi bị cảm lạnh, sốt cao liên tục trong nhiều ngày. Anh em phải đưa tôi ra bệnh xá nhà tù. Ở đây một y sĩ người Pháp xác định tôi bị bệnh sốt chấy rận nặng, phải nằm ở bệnh xá điều trị. Thực tế cũng chẳng điều trị gì đáng kể ngoài một số viên thuốc gì đó, không nhớ rõ; tôi vẫn bị sốt triền miên, bất tỉnh. Nhiều anh em nằm cùng giường với tôi (một giường nằm hai người) hoặc ở giường bên cạnh lần lượt ra đi không một lời trăn trối khiến tôi rất lo ngại, cảm thấy khó có ngày trở về. 
Không rõ sức đề kháng của tôi lúc đó thế nào, mà vẫn nằm kéo dài một thời gian ngắc ngoải, chưa chết. Anh em trong trại giam sốt ruột hỏi thăm, cho người đi khám bệnh ở trạm xá, chuyển cho tôi một ít thuốc B1 dành dụm được. Tôi sống trong tình trạng hôn mê đó, bỗng một hôm viên y sĩ người Pháp cùng hai viên giám thị đi kiểm tra bệnh xá vì người chết mỗi ngày một tăng lên. Nó cầm tay tôi và nói bằng tiếng Pháp tôi nghe loáng thoáng "C'est un cas désespéré" (Trường hợp này hết hi vọng sống) và ra lệnh đưa tôi xuống nhà xác, chờ đưa chôn như anh em tù nhân xấu số khác)”...(Còn nữa).
 
Trích dẫn: Lại Thị Minh Thu, phòng Nghiên cứu - Sưu tầm
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...