Hỏa Lò - Nhà tù thực dân (1896 - 1954) (phần 1)

6945
September 05, 2016
Với tính chất là nhà tù trung tâm - nằm giữa Thủ phủ của chính quyền thực dân Pháp, trong hệ thống công cụ đàn áp liên hoàn: Tòa án, Sở mật thám,  vì vậy tất cả tù nhân ở các địa phương chống án đều bị chuyển giam về Nhà tù Hỏa Lò. Ngay từ khi đưa vào sử dụng, cùng với việc thiết lập một bộ máy quản lý chặt chẽ, thực dân Pháp còn áp dụng một chế độ giam cầm hà khắc đối với các chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam bị bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò.
 
Phần 1: Hệ thống Trại giam và xà lim
Được thiết kế và khởi công xây dựng vào năm 1896 đến năm 1899, mặc dù các hạng mục xây dựng chưa hoàn thiện nhưng Nhà tù Hoả Lò đã đưa vào sử dụng giam giữ do số lượng tù nhân ở các nhà tù khác đều quá tải. Chính lý do này đã dẫn đến hiện tượng diện tích giam giữ của nhà tù không tương ứng với số lượng tù nhân ngày càng tăng lên do sự phát triển rầm rộ của các phong trào yêu nước và sự đàn áp khốc liệt của chính quyền thực dân.
 
 
Từ phải sang: Trại P, xà lim 1, trại J, trại L - Nhà tù Hỏa Lò (ảnh chụp năm 1994)
Cho tới tháng 8 năm 1913, qua nhiều lần xây dựng và mở rộng diện tích, nếu tính 2 người trên 1m2 giường nằm thì Nhà tù Hoả Lò chỉ có sức chứa là 460 - 500 tù nhân nhưng ngay từ  đầu năm 1913, chính quyền thực dân Pháp đã giam  615 người, năm 1930 giam 1800 tù nhân. Đặc biệt, có những thời điểm số lượng tù nhân bị giam ở đây thường xuyên lên tới trên 2000 người mà diện tích sử dụng vẫn không có nhiều thay đổi. 
Các trại giam trong Nhà tù Hoả Lò về cơ bản đều giống nhau ở một điểm là chật chội và tối tăm. Mặc dù có diện tích khác nhau nhưng các phòng đều được xây dựng theo một quy cách chung: Nhà lợp ngói, không trần, tường xây kiên cố. Trong mỗi trại giam có một sàn gỗ lim đen thẫm chạy dài theo phòng đóng vít vào nẹp sắt làm chỗ nằm cho tù nhân. Bốn mặt tường của phòng giam đều quét hắc ín cao ngang ngực người đứng tạo cảm giác u uẩn, bức bối.
 
 
Bên trong Trại giam K - Nhà tù Hỏa Lò (ảnh chụp năm 1994)
 
Ngoài hệ thống phòng giam Nhà tù Hoả Lò còn có các dãy xà lim I, II, III. Khác với trại giam, xà lim có sức chứa nhỏ hơn, mỗi xà lim chỉ dài 2m, rộng ngót 2m, giam từ một đến hai người được xây đặc biệt kiên cố. Hai bên sát tường là hai bục xi măng rộng khoảng 60cm dùng cho tù nhân nằm. Sát tường phía ngoài trên mỗi bục chôn một chiếc cùm bằng gang có hệ thống khoá từ bên ngoài. Cánh cửa của xà lim chỉ được mở 2 lần trong ngày khi lính gác chuyển thức ăn vào cho tù nhân. Tại đây, người tù bị cùm chân liên tục trong nhiều giờ, ăn uống và đi đại, tiểu tiện ngay tại chỗ.
 
 
Bên trong một xà lim tại Khu xà lim III - Nhà tù Hỏa Lò (ảnh chụp năm 1994)
 
Hà khắc hơn, tại xà lim khu biệt giam (Cachot), sàn nằm được thiết kế phần đầu nằm dốc hơn so với chân. 
 
 
Một buồng giam tại khu Ngục tối - Nhà tù Hỏa Lò (ảnh chụp năm 1994)
 
Đây là một hình thức tra tấn đối với tù nhân, vì khi nằm trên bệ xi măng được thiết kế “đặc biệt” này, đầu người tù bị thấp hơn so với chân, máu không lưu thông đều, chủ yếu dồn lên não, hậu quả là sau một thời gian ngắn ở xà lim, tù nhân đều bị phù mặt, mắt mờ, chân tay chậm chạp khi cử động do thiếu vệ sinh, thiếu ánh sáng và thiếu cả dưỡng khí. 

Tổng hợp và biên soạn: Đào Thị Huệ, phòng Nghiên cứu Sưu tầm 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...