Câu chuyện từ những bài báo viết về phi công Mỹ

3370
January 11, 2017
Tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, phần trưng bày về phi công Mỹ luôn được du khách quan tâm, đặc biệt là khách quốc tế. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng trưng bày này còn thiếu thông tin, thông tin một chiều hay phi công Mỹ không được đối xử tốt... Những câu trả lời của phi công Mỹ Walter Eugene Wilber sau khi được trao trả về nước đã góp phần giải đáp những thắc mắc đó.
 
Phi công Mỹ Walter Eugene Wilber sinh ngày 17/01/1930 tại Millerton, bang Pennsylvania. Tháng 4/1968, Walter mang cấp bậc Trung tá Hải quân, phục vụ trong Hạm đội chiến đấu Diamondblacks VF 102, thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường Đông Nam Á.
 
Phi công Walter Eugene Wilber
 
Ngày 16/6/1968, Walter cùng đồng đội là Bernard Francis Rupinsk lái máy bay F4J - Phantom II đi ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam. Chiếc F4J - Phantom II bị lưới lửa phòng không Việt Nam bắn rơi trên bầu trời Đô Lương (Nghệ An). Walter nhanh chóng nhảy dù thoát khỏi máy bay và rơi xuống cánh đồng xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Người đồng đội đã tử nạn, Walter bị ba thanh niên (Bùi Bác Văn, Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Mợi) bắt và giao cho Huyện đội Thanh Chương. Sau đó, ông được chuyển tới giam tại Trại giam Hỏa Lò (Hà Nội).
Trong thời gian bị giam ở Hỏa Lò, các phi công Mỹ được ban lãnh đạo Trại giam Hỏa Lò tạo điều kiện tiếp xúc với các nhà báo quốc tế. Tháng 12/1970, khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Canada Micheal Maclear, phi công Walter Eugene Wilber đã nói: “Chúng tôi ăn 3 bữa một ngày và chúng tôi có cơ hội hưởng ánh nắng mặt trời, được tập thể dục, ra khỏi phòng dọn dẹp và ăn sáng. Chúng tôi thường xuyên chơi bóng chuyền hoặc các môn thể thao khác vào mỗi buổi sáng, sau đó thì ăn trưa… Và chắc chắn chúng tôi phải rút lui khỏi chiến trường để dừng cuộc chiến tranh này lại. Sau đó người Việt Nam có thể giải quyết được những vấn đề của họ…”. 
 
Phi công Walter Eugene Wilber (ở giữa) trong thời kỳ bị giam tại Trại giam
Hỏa Lò, Hà Nội nhận ảnh và đồ dùng sinh hoạt do gia đình gửi sang
 
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/01/1973), toàn bộ phi công Mỹ bị giam tại Trại giam Hỏa Lò đã được Chính phủ Việt Nam trao trả cho Chính phủ Mỹ. Phi công Walter Eugene Wilber được trao trả vào ngày 12/02/1973. 
Thời gian bị giam ở Việt Nam cũng được tính vào thâm niên phục vụ trong quân đội, do vậy khi trở về, Walter đã được thăng lên quân hàm Đại tá. Việc Đại tá Walter được trao trả sau 4 năm rưỡi bị giam ở Trại giam Hỏa Lò được nhiều tờ báo xuất bản tại Mỹ đăng tải: Star Gazette, Philadelphia daily news, Evening Times, The Leader, The Daily Review…
Khi đã đặt chân ở nước Mỹ, Walter Eugene Wilber đã trả lời phỏng vấn của báo Star Gazette về thời gian bị giam ở Trại giam Hỏa Lò như sau: “Cuộc chiến tranh phi nghĩa đã giam cầm ông hơn suốt 4 năm rưỡi ở miền Bắc Việt Nam. Ông nói rằng ông không thể tuyên bố bất cứ sự đối xử thậm tệ nào khi là một tù binh mặc dù ông ấy đã trải qua cơn đột quỵ và bệnh gan truyền nhiễm.
Ông có đầy đủ tiện nghi trong phòng như xô nước thải, cốc, bàn chải đánh răng, 1 bánh xà phòng và khăn tắm. Quần áo gồm 2 bộ đồ lót, 2 bộ quần áo dài, 1 áo lót và 3 chiếc chăn chiên”… Bữa ăn gồm 2 bữa lúc 10h và 3h chiều. Hầu hết bữa ăn có 1 bát súp lớn gồm rau và nước thịt luộc ăn kèm bánh mỳ. Bữa chính gồm 1 đĩa rau với một ít thịt thêm vào bữa ăn chính, một “bữa sáng” với bánh mỳ và nước ấm hoặc trà là một phần thực đơn hàng ngày… Ngày đầu tiên trong 3 ngày, Wilber nói ông ấy bị thẩm vấn. Ông ấy không bị tra tấn, hầu như đoạn thẩm vấn kéo dài 1h đồng hồ, nhiều nhất là 1,5h.
Dịp giáng sinh từ 1968 - 1969, ông tham dự một chương trình tôn giáo với 30 người Mỹ khác. Ông không thể nói chuyện với họ nhưng ông trông họ rất khỏe mạnh.
Đầu năm 1970, Wilber và 12 người tù khác được đưa đến thăm bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Ngày lễ giáng sinh 1969, ông đã đến Nhà thờ Lớn với 3 tù binh khác. Chúng tôi đi qua đám đông, quan sát việc họ theo dõi lễ giáng sinh và quay trở lại nhà tù.
Tù nhân được tắm hàng ngày trừ chủ nhật. Họ dùng nước từ dưới giếng để tắm. Được cạo râu 2-3 ngày/tuần. Quần áo được giặt hàng ngày…(trích bài viết “Những lời từ trái tim một người tù: Wilber” đăng trên báo Star Gazette, ra ngày 2/4/1973).
 
 
   Báo Star Gazette, ra ngày 2/4/1973, đăng bài viết “Những lời từ trái tim một người tù: Wilber”
 
Trước những tin đồn về việc tù nhân Mỹ ở Việt Nam bị đánh đập, tra tấn, đối xử tàn nhẫn, khi trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Quốc gia Mỹ, ông cũng khẳng định: “Tôi không hề bị đánh đập hay bị đối xử tàn nhẫn như những gì chúng tôi tưởng tượng trước đó”. Walter Eugene Wilber cũng cho rằng cần “nhìn xa trông rộng” hơn về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và đặt câu hỏi tại sao nó lại kéo dài đến thế đồng thời nhận định cuộc chiến tranh này sẽ liên đới nhiều hơn tới một thế hệ người Mỹ. 
Cuộc đối thoại của Walter Eugence Wilber trên sóng truyền hình quốc gia cùng với sự nỗ lực của nhiều người khác đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ của người dân Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam. Làn sóng phản đối chiến tranh của người dân Mỹ tiếp tục dâng cao và đạt được nhiều thành công.
 
Một số hiện vật, ông Thomas Eugene Wilber, con trai phi công Walter Eugene Wilber
trao tặng cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò để phục vụ trưng bày 
 
Những câu trả lời của phi công Mỹ Walter Eugene Wilber - một “người trong cuộc” đã cho thấy trong điều kiện đất nước có chiến tranh, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, Chính phủ Việt Nam vẫn áp dụng chính sách nhân đạo, tạo những điều kiện tốt nhất cho cuộc sống sinh hoạt của phi công Mỹ khi bị bắt giam. 
 
Nguyễn Thị Sâm, phòng Nghiên cứu Sưu tầm
Biên dịch: Hoàng Cao Tiến, Vũ Thúy Hà
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...