Người được mang tên là “Cụ Hồ em” (phần 4)

2326
October 16, 2017
Sau khi vượt ngục Trà Khê, đồng chí Hồ Tùng Mậu trở về quê nhà ở huyện Quỳnh Lưu tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí đã tuyên truyền, vận động nhân dân trong làng, xã giúp đỡ nhau cứu đói; chỉ bảo tận tình cho cán bộ Đảng tổ chức phong trào Việt Minh thật chắc chắn, rộng rãi theo tinh thần không chủ quan, nôn nóng trong vấn đề khởi nghĩa, giành chính quyền.
Tháng 8/1945, đồng chí Hồ Tùng Mậu được Xứ ủy Trung kỳ điều động vào Huế, tăng cường lãnh đạo cơ quan Xứ ủy tại đây, cũng như chuẩn bị lực lượng vũ trang Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh miền Trung.
Tháng 10/1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Hồ Tùng Mậu ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người giao đảm nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Quân chính Nhượng Bản, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), nhằm đào tạo cán bộ quân sự cho các tỉnh Trung Kỳ. Từ cuối năm 1945 đến trước ngày toàn quốc kháng chiến, Trường Quân chính Nhượng Bản đã cung cấp cho Liên khu IV và các đoàn quân “Nam tiến” hàng trăm cán bộ chỉ huy và chính trị viên đại đội, tiểu đoàn Vệ Quốc quân.
 
 
Đồng chí Hồ Tùng Mậu, người được nhân dân gọi với cái tên trìu mến “Cụ Hồ em”
 
Tháng 10/1947, nhằm tập trung chỉ đạo cuộc kháng chiến, Ủy ban hành chính cấp khu, tỉnh, huyện, xã được hợp nhất với Ủy ban kháng chiến thành Ủy ban kháng chiến hành chính. Liên khu IV chiếm giữ một địa bàn trọng yếu gồm 6 tỉnh: Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình - Trị - Thiên. Địa bàn 6 tỉnh này tựa lưng vào dãy Trường Sơn, “chung lưng” với nước bạn Lào cùng kháng chiến. Đây là địa bàn xung yếu, chia cắt địch giữa Bắc Bộ và Trung Bộ, là hậu phương quan trọng của ta, được ví như Việt Bắc thứ hai.
Nhận rõ tầm quan trọng chiến lược của các tỉnh trong Liên khu IV, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt tin tưởng, đích thân giao nhiệm vụ cho các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Thiết Hùng giữ cương vị lãnh đạo địa bàn quan trọng này. Đồng chí Hồ Tùng Mậu là Chính ủy, đồng chí Lê Thiết Hùng là Khu trưởng.
Trên cương vị là Chính ủy đầu tiên của Liên khu IV, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã góp phần tích cực với Ủy ban và Liên khu ủy trong việc xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng, mở rộng khối đoàn kết của Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang, mở rộng căn cứ địa, đặc biệt là xây dựng sự đoàn kết trong Đảng bộ Liên khu.
Ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138B-SL, thành lập Ban Thanh tra Chính phủ trực thuộc Phủ Thủ tướng.
Cũng trong ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 138C-SL cử đồng chí Hồ Tùng Mậu làm Tổng Thanh tra Chính phủ; Trần Đăng Ninh là Phó tổng Thanh tra, Tô Quang Đẩu là Thanh tra.
Ngay khi mới thành lập, Ban Thanh tra Chính phủ đã đẩy mạnh hoạt động thanh tra và chỉ đạo công tác thanh tra ở các Bộ, các địa phương, làm cho công tác thanh tra đi vào nền nếp, thường xuyên và có tác dụng to lớn trong mọi mặt của đời sống đất nước.
Trên cương vị là Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thanh tra Nhà nước và thanh tra Đảng. Đồng chí đã nêu cao tinh thần dũng cảm, không ngại va chạm, vượt khó, đề cao trách nhiệm phát hiện những vi phạm, sai phạm trong Đảng và trong bộ máy nhà nước để kiến nghị xử lý đúng người, đúng việc.
 
 
Đồng chí Hồ Tùng Mậu (hàng đứng, thứ hai từ trái sang)
gặp gỡ các Đại biểu tham dự Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ II
tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, tháng 02/1951
 
Ngày 23/7/1951, trên đường đi công tác qua Thị trấn Còng (Thanh Hóa), đoàn cán bộ thanh tra của đồng chí Hồ Tùng Mậu bị máy bay Pháp phát hiện, đuổi bắn. Đồng chí Hồ Tùng Mậu đã anh dũng hy sinh.
Với niềm tiếc thương vô hạn người cán bộ trung kiên của Đảng, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Điếu văn truy điệu đồng chí Hồ Tùng Mậu. Điếu văn có đoạn: “Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, Đoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc, cộng vào trong một lòng tôi”.
Trọn cuộc đời cách mạng 31 năm không ngừng nghỉ, đồng chí Hồ Tùng Mậu từ một người yêu nước đã trở thành một chiến sĩ cộng sản, một cán bộ lão luyện trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng chí trở thành tấm gương trong sáng của một người cộng sản: có lý tưởng cao cả, hoạt động nhiệt tình, phẩm chất kiên trung, phong cách bình dị.
Trên tất cả phương diện: phẩm chất đạo đức, trí tuệ, cốt cách, phương pháp làm việc và đặc biệt là lẽ sống ở đời và làm người yêu nước, thương dân, đồng chí Hồ Tùng Mậu thật sự trở thành một nhân cách văn hóa, có sức lan tỏa, xứng đáng với tên gọi trìu mến mà nhân dân đặt cho đồng chí: “Cụ Hồ em”.
Nguyễn Anh Tuấn tổng hợp và biên soạn
* Tài liệu tham khảo: Sách “Hồ Tùng Mậu tiểu sử”, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2016.
                                                      
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...