Người tù vượt ngục năm xưa (phần 2)

2845
November 15, 2017
Trên đường trở về
Sau khi thoát khỏi nhà thương Phủ Doãn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Võ Duy Cương đi về Việt Trì, còn đồng chí Phạm Quang Lịch dẫn 4 đồng chí: Nguyễn Tạo, Bùi Xuân Mẫn, Lê Đình Tuyển, Nguyễn Trọng Đàm đi về Phủ Lý. Để tránh sự truy bắt của kẻ địch, các đồng chí đi men theo bờ ruộng, cứ cách một cây số lại trông theo “cột dây thép” mà đi tiếp. 
Hơn hai năm sống trong cảnh ăn đói mặc rét ở nhà pha Hỏa Lò, phần lớn hai chân bị cùm nên trốn chạy được 10 tiếng thì các đồng chí đã mệt lả. Đồng chí Nguyễn Trọng Đàm chuyên viết tài liệu ở trong trại giam, còn giữ một cục phẩm xanh ở trong túi áo, khi lội xuống ruộng nước, mực thôi ra loang lổ khắp quần áo trắng. Để che đi hình dáng “kỳ quái” ấy, đồng chí phải lấy bùn trát vào mặt và khắp người.
Ngày 25/12/1932, các đồng chí đã đi tới Cầu Giẽ, cách Phủ Lý khoảng 18 cây số. Để lấy sức đi tiếp, theo hướng dẫn của đồng chí Phạm Quang Lịch, các đồng chí còn lấy nước tiểu để xoa bóp chân. Đến tối, các đồng chí đã đến được nhà ông lang Diệm (người quen của đồng chí Lịch).
Ngày 26/12/1932, các đồng chí phân chia thành nhóm nhỏ để dễ bề hoạt động. Nhờ đồng chí Phạm Quang Lịch liên hệ, đồng chí Nguyễn Tạo, Nguyễn Trọng Đàm đến nhà đồng chí Đán ở Nghĩa Hưng, Nam Định; đồng chí Bùi Xuân Mẫn, Lê Đình Tuyển về Nam Định.
Tin 7 tù chính trị nhà pha Hoả Lò vượt ngục đã làm cho thực dân Pháp vô cùng tức tối. Chúng ra lệnh vây ráp, truy nã khắp nơi, dán ảnh, đăng tin trên báo chí. Đồng thời, chúng treo giải thưởng cho ai bắt được tù Hỏa Lò vượt ngục sẽ được thưởng to. Để trấn áp những tù nhân khác, bọn giám ngục ở Hỏa Lò phạt không cho tù nhân ăn rau trong tám tháng. 
 
Gây dựng tổ chức Đảng 
Trên đường trở về Thái Bình, nhằm che mắt địch, đồng chí Phạm Quang Lịch phải cải trang thành người ăn mày: trên mình mặc bộ quần áo nâu rách, đầu đội nón, tay xách giỏ cua và gậy, chân tay trát bùn. Mặc dù mới 31 tuổi nhưng lúc này đồng chí đang để râu dài nên trông già như ông lão 50 tuổi.
Để gây dựng tổ chức Đảng, đồng chí đã liên hệ với các đồng chí là tù chính trị Côn Đảo được trả tự do, bắt mối với các cơ sở hoạt động cũ, xây dựng lại 11 chi bộ xã trong nhiều huyện ở Thái Bình, kết nạp thêm nhiều đảng viên mới.
 
 
Nhà đồng chí Phạm Quang Lịch ở xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương, 
tỉnh Thái Bình - di tích lịch sử quốc gia Cơ sở Xứ ủy Bắc Kỳ 
(Nguồn: báo Thái Bình)
 
Đầu năm 1933, đồng chí lập lại Tỉnh ủy lâm thời Thái Bình đồng thời được cử giữ chức Bí thư. Để phục vụ cho công tác tuyên truyền, Tỉnh ủy tổ chức xuất bản hai số tạp chí Đỏ, in lại các tài liệu lấy từ nhà pha Hỏa Lò như: Luận cương chính trị, Cộng sản nhập môn, Vấn đề Tổ quốc, Vấn đề đấu tranh… 
Khi đang chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ tỉnh Thái Bình, tháng 11/1933, đồng chí Phạm Quang Lịch lại bị bắt cùng với nhiều đảng viên và quần chúng khác.
 
Trở lại Hỏa Lò
Lần thứ hai bị giam tại nhà pha Hỏa Lò, đồng chí mang số tù 7414, bị nhốt trong xà lim. Năm 1934, đồng chí Nguyễn Tạo, Nguyễn Lương Bằng cũng bị sa vào tay giặc và chuyển đến giam cùng với đồng chí Phạm Quang Lịch.
Ở xà lim, sau bữa tối, lính gác đi cùm chân phạm nhân và khóa cửa buồng giam, sau đó giám thị sẽ đi kiểm tra một lượt. Sử dụng chìa khóa tự tạo, các đồng chí đã rút chân ra khỏi cùm, leo lên cửa sổ xà lim, say sưa kể cho nhau nghe những việc đã làm sau 16 tháng vượt ngục.
Chế độ lao tù hà khắc đã làm cho đồng chí Phạm Quang Lịch mắc bệnh lao phổi. Vượt lên bạo bệnh, đồng chí vẫn giữ cho mình tinh thần lạc quan hiếm thấy. Với bản án 30 năm khổ sai, đồng chí bị đày lên nhà tù Sơn La và hy sinh vào ngày 30/3/1937.
 
Thắp hương tri ân công lao của đồng chí Phạm Quang Lịch
(Nguồn: báo Thái Bình)
 
*
Kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình, đặc biệt là ảnh hưởng từ người cha, đồng chí Phạm Bái (con trai đồng chí Phạm Quang Lịch) đã sớm lựa chọn con đường đi theo cách mạng. Trong quá trình công tác, đồng chí từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình (1977 - 1984), Phó Trưởng đoàn chuyên gia Trung ương tại Campuchia, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và đại biểu Quốc hội khóa VIII.
 
Nguyễn Thị Sâm tổng hợp và biên soạn
 
Nguồn:
- Trong ngục tối Hỏa Lò, Nguyễn Tạo, Nxb Văn học, 1959.
- Chúng tôi vượt ngục, Nguyễn Tạo, Nxb Văn học, 1977.
- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...