Cuộc tuyệt thực đầu năm 1952

2585
January 02, 2018
Đấu tranh của tù chính trị trong Nhà tù Hỏa Lò là những bước tiếp nối của quá trình đấu tranh vì mục tiêu độc lập tự do mà họ tiến hành trước khi bị Thực dân Pháp giam giữ, tù đày. Trong kháng chiến chống Pháp, sau khi tổ chức Đảng được thành lập, chi bộ Nhà tù Hỏa Lò thường xuyên nhận được sự chỉ đạo của Quận ủy nội thành thông qua đường dây bí mật. Điều đó giúp chi bộ xác định đúng các nhiệm vụ lãnh đạo trên trận tuyến đấu tranh với chính quyền thực dân trong nhà tù, tổ chức, rèn luyện, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.
Trong Nhà tù Hỏa Lò, đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc là một trong những nội dung quan trọng nhất. Bằng nhiều biện pháp, hình thức linh hoạt, phát huy trí thông minh sáng tạo, dũng cảm, mưu trí xử lý các tình huống cụ thể, các chiến sỹ cách mạng đã giữ vững ý chí chiến đấu, liên tục tổ chức các cuộc đấu tranh với địch đòi cải thiện đời sống của tù nhân.
Ngày 03/01/1952 đã nổ ra cuộc đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực, đây là cuộc tuyệt thực dài nhất do chi bộ nhà tù gồm các đồng chí Trần Công Hiệu, Phạm Văn Tiềm, Đỗ Hoàng Trừ, Nguyễn Ngọc Kiền, Trần Hữu Thoả (Nguyễn Tiến Hà) lãnh đạo. Tù nhân ở tất cả các trại đều tham gia để phản đối địch đàn áp, giam tù nhân vào khu biệt giam sau khi cuộc vượt ngục đêm ngày 24/12/1951 xảy ra tại khu xà lim tử hình.
Khẩu hiệu đấu tranh được đưa ra là:
- Chấm dứt khủng bố đàn áp.
- Thả ngay những người bị cùm.
- Cải thiện bữa ăn, tăng thuốc chữa bệnh.
 
 
Đồng chí Nguyễn Ngọc Kiền và đồng chí Trần Hữu Thỏa 
là những người chỉ huy cuộc tuyệt thực
 
Địch ra sức khủng bố, chúng dùng vòi rồng phun nước vào trại giam để đàn áp tù nhân. Chi uỷ nhà tù đã tìm cách liên lạc, báo cáo cho quận uỷ nội thành, một kế hoạch phối hợp đấu tranh giữa những người tù đang bị giam giữ trong Hỏa Lò và nhân dân Hà Nội được tiến hành. Đông đảo người dân và gia đình tù nhân kéo đến trước cổng Hỏa Lò để phản đối đàn áp, khủng bố, đòi được tiếp tế và gặp mặt người thân. 
Còn trong Nhà tù Hỏa Lò, cuộc tuyệt thực đã kéo dài đến ngày thứ tư, không khuất phục được anh em, địch cho ném lựu đạn hơi cay vào các trại. Một số đồng chí trúng lựu đạn bị bỏng, nhiều người bị hơi cay làm cho không mở được mắt, có người bị ngạt, bất tỉnh, số ít kịp thời dùng chăn, quần áo thấm nước đắp lên mặt. Thừa thời cơ đó địch mở cửa xông vào các trại đánh đập, đàn áp, bắt thêm người đưa đi cùm hoặc nhốt vào cachot (ngục tối). Mặc dù tuyệt thực nhiều ngày, sức khỏe yếu nhưng số anh em còn lại vẫn đấu tranh, hô khẩu hiệu, yêu cầu gặp giám ngục và đại diện Thủ hiến Bắc Việt.
 
 
Phù điêu đấu tranh chống địch khủng bố
 
Tuyệt thực đến ngày thứ bảy, địch phải nhượng bộ, giám ngục Hoả Lò và đại diện Thủ hiến Bắc Việt đồng ý gặp đại diện các trại, hứa đáp ứng một số yêu cầu của tù nhân: cải thiện đời sống, sửa đổi chế độ nhà tù, thả những người bị phạt cùm về trại, chạy chữa cho những người bị thương, bị trúng hơi độc….
 
 
Phòng giam khu Cachot
 
Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi càng tăng thêm sức mạnh đoàn kết nội bộ, thể hiện sự kiên quyết trong hành động, không khoan nhượng với kẻ thù, phối hợp đấu tranh bên trong và bên ngoài nhà tù. Đây là cuộc đấu tranh tiêu biểu nhất của tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò giai đoạn 1946 - 1954.
Tổng hợp và biên soạn: Dương Thanh Hùng - phòng Nghiên cứu, Sưu tầm
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...