Đón Tết trong ngục Hỏa Lò (phần 1)

1621
February 14, 2018
Nhà tù Hỏa Lò với chế độ sinh hoạt ác nghiệt mà thực dân Pháp thực hiện để giết dần, giết mòn những chiến sỹ cách mạng Việt Nam, nhưng trái lại các chiến sỹ cách mạng đã biến nhà tù thành nơi học tập văn hóa, chính trị và đào tạo cán bộ. Cũng tại đây, mỗi dịp Tết đến, Xuân về họ lại cùng nhau tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ như diễn kịch, ngâm thơ, chơi cờ và ca hát để giúp anh em vợi đi nỗi nhớ nhà, hun đúc thêm tinh thần lạc quan, niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Qua những trang hồi ký của các đồng chí cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò chúng ta càng hiểu hơn về việc tổ chức đón xuân trong tù của những người cách mạng Việt Nam giàu cảm xúc và rất nhiều màu sắc riêng.
 
 
Đồng chí Nguyễn Văn Chi, tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò,
 năm 1931- 1936
 
Đồng chí Nguyễn Văn Chi, bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1931- 1936, ghi lại trong hồi ký: “Trong các dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi tổ chức liên hoan văn nghệ, những quà bánh của các đồng chí có gia đình vào thăm đem chia đều rồi tổ chức ngâm thơ. Có một tết, đồng chí Hào Lịch (xuất thân từ một phú hào ở tỉnh Thái Bình, bị kết án 20 năm tù, từng nhiệt tình ủng hộ khá nhiều tiền cho cách mạng) đã mua hàng trăm chiếc bánh chưng to để toàn thể anh em tù chính trị ăn Tết mừng Xuân”.
 
 
Đồng chí Phạm Quang Lịch (tức Hào Lịch), 
tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò tháng 1930 - 24/12/1932
 
Đồng chí Đặng Việt Châu, Bí thư Chi bộ Nhà tù Hỏa Lò từ tháng 11/1933 - 5/1935 miêu tả:  “Tết Nguyên đán Quí Dậu (năm 1933) là một cái Tết buồn tẻ. Diễn kịch, ca hát bị cấm, quyền lợi trong tù bị cúp gần hết. Phải bày ra những trò gì để giải trí? Anh em thảo luận mãi chỉ còn có việc thi thơ, câu đối, đánh cờ tướng và đánh tổ tôm. Quà cáp nhận được thì anh em vẫn theo tinh thần tương trợ, tự nguyện: Người thì để toàn bộ quà của mình ăn chung, người thì dành cho tập thể một nửa nên quà Tết vẫn đến với những anh em gia đình nghèo không có quà.
 
 
Đồng chí Đặng Việt Châu, tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò 
từ tháng 9/1932 - 5/1935 (ảnh chụp năm 1955)
 
Cuộc thi thơ và câu đối được tổ chức từ một tuần trước Tết để các anh em viết và gửi bài. Ngày chấm thi là 30 Tết để mồng Một vào xuân đem ra tuyên bố giải, bình thơ và đọc câu đối. Chủ đề của cuộc thi thơ là ăn tết ở nhà pha, nhưng câu đầu không được dùng chữ nhà pha, câu thứ hai mới được dùng vần đó. Ban chấm thi đặt tại trại Prévention. Bài thi gửi đến rất nhiều. Tôi chỉ nhớ bài thơ của đồng chí Khóa Cư (tức đồng chí Trần Cung) được giải nhất. Ban chấm thi cho bài thơ đó là độc đáo, sát với hoàn cảnh nhà tù. Bốn câu giữa bài thơ của anh Nguyễn Đình Mẫn được giải ba. 
…Ngày đầu năm, sau khi khiêng ti nét (thùng đựng chất thải), rửa cầu tiêu rồi vào bình thơ, đọc câu đối, và sau lời xét giải của Ban giám khảo thì nổ ran tràng pháo tay rôm rả đón xuân. Anh em đang trò chuyện vui vẻ thì giám thị gọi đi lấy cơm. Mấy anh em ra trước lẩm bẩm: “Tết nhất, xem họ thết đãi ta cái gì nào?” Nhưng mục sở thị thì vẫn như ngày thường, chỉ khác là “mỗi suất thay con cá mặn bằng miếng thịt lợn để nguyên không thái, bì dầy, dai nhách”. Hết thảy anh em đều ngán ngẩm. May là có những thúng quà để chung, “hợp tác xã” mau mắn đi chia, mỗi mâm được lát giò và chiếc bánh chưng. Nét mặt mọi người vui lên vì tí quà tết một phần, nhưng chính là vì tình đoàn kết,  san sẻ cho nhau.
Trưa đến, anh em nghỉ, trừ vài bàn tổ tôm say mê “phỗng, ù” om xòm với canh bạc giấy, chiều đến, những tướng cao cờ thi đấu trên nền nhà. Bàn cờ vạch bằng gạch non. Anh em yên lặng ngồi trên sàn xem, trừ một vài cậu ra chiều thông thạo đi lại thì thào mách nước. Tiếng cãi cọ đôi khi cũng xảy ra, nhưng khi trật tự trưởng đưa “phạt cỏ vê” ra dọa thì lại im phăng phắc.
Qua ngày mồng Một đến ngày mồng Hai thì mọi người lại diễn như thường lệ, trừ một vài món ăn phụ còn được phân phối chung và những canh bạc giấy vẫn còn tiếp tục. Tết thế là hết”.
(Còn nữa)
Lại Thị Minh Thu, Phòng Giáo dục - Truyền thông
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...