Nữ tù chính trị năm xưa

2197
March 19, 2018
Bà Nguyễn Thị Lắp xuất thân là con gái của một gia đình thuần nông ở làng Mọc, Quan Nhân, huyện Từ  Liêm, ngoại thành Hà Nội (nay thuộc phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) vùng đất cổ của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, nơi có bề dày truyền thống cách mạng cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa.
Năm 1948 - 1949 bà tham gia dân quân du kích ở địa phương, đầu tháng 01/1951, lính Pháp ở bốt Cầu Mới về làng càn quét, chúng phát hiện trong vườn nhà bà Nguyễn Thị Lắp có một cái hầm đang đào dở, bên trong có nhiều cuốc, xẻng… Bọn lính đã cho bắt và trói 2 cha con bà Lắp giải về bốt Cầu Mới, sau đó giải xuống bốt Ngã Tư Vọng tra tấn, sau một đêm xét hỏi nhưng không có đủ chứng cứ, chúng buộc phải trả tự do cho 2 cha con bà Lắp. Cũng ngay trong tháng 1 năm đó, bà Nguyễn Thị Lắp lại bị địch bắt lần thứ 2 khi đang tham dự cuộc họp cùng với các đồng chí: Nguyễn Thị Cốm, Nguyễn Thị Khuôn, Nguyễn Thị Ví tại xóm Sòi, thôn Quan Nhân. Tháng 7 năm 1951 địch chuyển bà sang giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò.
Trong lao tù, bà Nguyễn Thị Lắp đã phải chịu đựng sự tra tấn dã man của quân địch: Dìm đầu vào bể nước, đổ nước mắm vào mũi, đánh tại sân Sở Mật thám… nhưng bà vẫn nhất quyết không khai bất kì thông tin nào, giữ trọn lời thề kiên trung với Đảng. Suốt cuộc đời, bà luôn tự hào vì là một Đảng viên gương mẫu và luôn giáo dục cho con cháu mình về truyền thống dân tộc.
Sáng ngày 18/3/2018, bà Nguyễn Thị Lắp đã cùng đại gia đình của mình tới thăm quan và chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Về thăm lại chốn “địa ngục trần gian” năm xưa, nơi đã từng bị giam giữ, bà không khỏi bồi hồi và xúc động khi nhớ về những ngày tháng khó quên tại nơi đây. Cũng nhân dịp đáng nhớ này bà đã được gặp lại những người bạn từng cùng bà trải qua những gian khổ, vượt qua những khó khăn khi bị giam tại nhà tù Hỏa Lò. Những câu chuyện cảm động về bà chính là niềm tự hào lớn nhất của các con, cháu trong gia đình.  
 
 
Đại gia đình bà Nguyễn Thị Lắp 
 
Sau khi được cùng bà thăm lại các phòng giam tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, được nghe bà kể lại những câu chuyện tù đày năm xưa các con, cháu bà Lắp đã vô cùng xúc động, người con trai cả của bà là anh Lê Văn Đức chia sẻ:
“Chúng con được tận mắt chứng kiến nơi mẹ đã từng bị thực dân Pháp giam cầm, được nghe mẹ cùng nhiều người bạn tù của mẹ kể những câu chuyện cảm động, chúng con thấy thương mẹ biết bao. Mẹ đã cống hiến một phần cuộc đời cho Cách mạng, đã dành chọn cuộc đời cho gia đình và nuôi dạy anh chị em chúng con nên người: Không biết nói gì hơn, chúng con kính chúc mẹ mạnh khỏe, trường thọ”.
“Hôm nay được đến đây, tìm đến quá khứ hào hùng của bà, cháu vô cùng cảm phục bà, chúng cháu luôn lấy đó làm động lực để tiếp tục phấn đấu và phát triển, giữ gìn truyền thống gia đình. Chúng cháu rất tự hào về bà, kính chúc bà mạnh khỏe sống lâu”. Đó là những lời chia sẻ của cháu nội bà Nguyễn Thị Lắp.
 
 
Gia đình anh Lê Văn Đức, con trai cả của bà Nguyễn Thị Lắp
 
 
 Bà Nguyễn Thị Lắp cùng gia đình con trai và cháu nội Lê Hồ Vĩ
 
Giờ đây, khi đã ở vào tuổi 90, bà Nguyễn Thị Lắp đã có 14 cháu nội, ngoại và 08 chắt. Các cháu của bà, một số đã tốt nghiệp đại học ra công tác và có gia đình riêng… Niềm vui lớn nhất của bà Lắp giờ đây là hằng ngày được sum vầy bên người thân, được chứng kiến từng bước đi và sự trưởng thành của con cháu, hưởng trọn vẹn sự ấm áp trong bầu không khí hạnh phúc gia đình.
Ngô Thị Hồng Nhung, Nguyễn Đức Trung
Phòng Giáo dục, Truyền thông
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...