Sáng mãi ánh thép nơi ngục lửa (Phần 2)

2009
August 11, 2018
Nhà pha Hỏa Lò trong thời gian Phó Đức Chính và các chiến sỹ Việt Nam Quốc dân đảng bị giam được phân chia như sau: Trại giam phạm nhân chưa thành án thuộc thẩm quyền của phòng Dự thẩm hay Biện lý cuộc, trên ngực phạm nhân có đeo số “J” hay “P”; trại giam phạm nhân chống án từ các tỉnh giải về; trại giam phạm nhân thành án chờ ngày phát vãng; trại giam chính trị phạm; trại giam nữ tù nhân; trại giam trẻ em phạm pháp; trại giam người can án thiếu nợ; trại giam tù nhân người Âu. Ngoài ra còn có các bốn khu xà lim (A, B, C, D) với gần 100 gian. Khu A và B dùng để giam phạm nhân bị án cấm cố, vi phạm kỷ luật của nhà tù, phạm nhân quan trọng đang trong thời gian tra xét. Khu C giam tù nhân người Âu phạm trọng tội. Khu D giam phạm nhân bị kết án tử hình, chờ ngày thi hành án hoặc ân xá. 
 
 
Nhà tù Hỏa Lò 
 
Phó Đức Chính bị giam trong khu xà lim dành cho phạm nhân bị kết án tử hình: “Mỗi xà lim có bề dài 2 thước, ngang 2 thước, trong có đặt một cái sàn, mặt bằng gỗ lim thật dầy, chân sàn bằng sắt, cuối sàn đặt một cái cùm sắt; sàn rộng một thước dài hai thước, vừa chỗ cho một người nằm. Ngoài cái sàn ra còn có một cái bô để dùng cho phạm nhân vệ sinh. Ngoài cửa sổ để thông hơi, cửa cài bị đóng kín mít suốt ngày đêm trừ ngày hai buổi đưa cơm và quét dọn”.  
Sau khi có sắc lệnh của Tổng thống Pháp bãi bỏ việc xin ân xá, ngày 15/6/1930, bọn lính đưa 13 chiến sỹ Việt Nam Quốc dân Đảng trong đó có Phó Đức Chính lên Yên Bái để thi hành án tử hình. Trước khi đi, những người chiến sỹ đã chào từ biệt anh em tù nhân ở lại: “Vĩnh biệt các anh, chúc các anh ở lại mạnh khỏe để báo thù cho Tổ quốc, cho Đảng... và cho chúng tôi! Anh em ở lại bình yên, tiếp tục sự nghiệp của mình!”. Thương tiếc người hy sinh vì nước, từ các trại giam, tù chính trị và tù thường phạm đều đồng thanh hô vang các khẩu hiệu phản đối án tử hình 13 chiến sỹ Yên Bái.
Máy chém có thể tháo rời các chi tiết để đưa đi các địa phương để thi hành án tử hình đối với các chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Từ nhà pha Hỏa Lò, đao phủ Nguyễn Đức Công cũng được lệnh sửa soạn máy chém để mang đi hành quyết 13 chiến sỹ Việt Nam Quốc dân Đảng ở Yên Bái, trung tâm của cuộc khởi nghĩa. 
 
  
Thực dân Pháp hành quyết ông Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và 11 chiến sỹ Việt Nam Quốc dân Đảng
tại Yên Bái, ngày 17/6/1930
 
Rạng sáng ngày 17/6/1930, Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Học và 11 chiến sỹ bị thực dân Pháp đưa ra hành quyết. Trước giờ phút lên đoạn đầu đài, tù nhân sẽ bị trói giật cánh khuỷu, nằm sấp trên bàn gỗ phẳng, cổ khớp với gông nhưng Phó Đức Chính lại đòi nằm ngửa để xem lưỡi dao chém của người Pháp rơi xuống như thế nào. Ông đã ra đi trong tư thế hiên ngang đến giây phút cuối cùng.
Sau ngày xử chém, Cục Cảnh sát và An ninh Bắc Kỳ đã gửi công văn mật số 8880/s ngày 18/6/1930 tới Thống sứ Bắc Kỳ, Giám đốc Cục An ninh Hà Nội để thông báo lại cuộc hành hình: 
“Mười ba người bản địa bị kết án tử hình bằng bản án ngày 28 tháng 3 năm 1930 của Hội đồng Đề hình Yên Bái và việc xin ân xá đã bị bác bỏ, đã được thi hành án ở Yên Bái vào ngày 17 tháng 6 này vào khoảng thời gian từ 5h10’ đến 6h sáng mà không có việc gì xảy ra.
Máy chém đã được gửi đến đặt trong một khoảnh đất rộng ở gần các tòa nhà của đội canh gác bản địa. Một hàng quân được hợp thành bởi lính lê dương, lính biệt kích và lính bảo an bao vây khoảnh đất này. Những người bị kết án, bị giam trong các xà lim của nhà tù tỉnh, từng người một được Công sứ  Bottini dẫn ra máy chém dưới sự hộ tống của một tốp lính lê dương.
Nguyễn Như Liên hay còn gọi là Ngọc Tịnh là người đầu tiên bị thi hành án, Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Học là những người cuối cùng.
... Người bị kết án thứ 11, hạ sĩ Thuận đã đến cách máy chém còn mấy mét hô vang: “Việt Nam………”; anh ta đã bị ngắt lời sớm bởi những người lính lê dương đã bịt miệng anh ta. Người thứ 12, Phó Đức Chính, thành công trong việc hô vang: Việt Nam vạn tuế (Vive l’Annam)”.
Để thị uy và khủng bố phong trào đấu tranh của người dân bản xứ, đầu năm 1931, một số chiến sỹ của tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng bị hành quyết trước cổng Nhà pha Hỏa Lò. Theo văn bản số 144CC13 ngày 9/3/1931 của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương: “Tôi xin báo cáo với ngài rằng việc hành quyết các tên Nguyễn Quang Triều, Đoàn Trần Nghiệp tức Đoàn, tức Hiệp Sơn, tức Ký Con, Nguyễn Văn Nho và Lương Ngọc Tốn đã diễn ra vào sáng sớm hôm nay mà không gặp sự cố gì”.
 
 
Khách tham quan phần trưng bày về các chiến sỹ Việt Nam Quốc dân Đảng
trong trưng bày chuyên đề “Lời tri ân”
 
Tuy thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân đảng đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của người dân lúc đó. Dẫu việc bất thành nhưng tấm lòng sắt son vì nước, khí phách hiên ngang của Phó Đức Chính mãi được lưu danh trong sử sách. Ở Hà Nội, tên của ông đã được đặt cho một tuyến đường gần hồ Trúc Bạch, nơi thành lập Nhà xuất bản Nam Đồng thư xã khi xưa.
 
Dương Thanh Hùng -  Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm
 Tổng hợp và biên soạn 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...