Nguyễn Đình Xô – Một trái tim rực lửa phần II

2255
September 04, 2018
Ông Vũ Văn Tăng, người nhập ngũ cùng đơn vị với Nguyễn Đình Xô kể lại: "Đến chiến trường Tây Nguyên, chúng tôi tiếp tục huấn luyện, theo dõi tình hình địch và sẵn sàng chiến đấu. Thời tiết ở Tây Nguyên vô cùng khắc nghiệt, vắt, muỗi như vỏ trấu, nhiều đồng chí bắt đầu bị sốt rét hành hạ. Vài tháng sau, đơn vị chúng tôi bước vào các trận đánh. Tháng 8-1966, trong một trận chiến đấu không cân sức giữa ta và địch tại Đức Vinh - Gia Lai, Nguyễn Đình Xô bị thương gãy cánh tay phải, anh ngất đi và bị địch bắt". Địch đã đưa đồng chí Nguyễn Đình Xô giam tại Nhà tù Phú Quốc.
 
 
Từ trái sang: Các ông: Vũ Văn Kim, Lê Hữu Thiều, Vũ Văn Tăng là bạn chiến đấu, bạn tù Phú Quốc với liệt sĩ Nguyễn Đình Xô kể lại hành động anh hùng của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô.

Trong tù Nguyễn Đình Xô được anh em tổ chức bí mật bầu giữ chức Bí thư chi đoàn, tham gia tích cực các hoạt động trong tù. Đầu tháng 4/1969, phong trào đấu tranh của tù binh chống lại chế độ nhà tù hà khắc lan rộng trên tất cả các khu trại giam. Bọn cai ngục đã tập trung trừng trị thẳng tay những nhóm người chúng cho là chủ mưu. Tại trại B5, nơi giam giữ Nguyễn Đình Xô, trại trưởng trại giam đã lập danh sách 12 tù binh có ảnh hưởng lớn tới phong trào trong đó có Nguyễn Đình Xô. Đối với tù binh Phú Quốc và với những người chứng kiến những đòn tra tấn của địch sẽ không bao giờ quên và càng khâm phục sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Đình Xô.
Ông Kim một trong số 12 tù binh bị bắt đưa đi tra tấn nhớ lại: "Lúc ấy, tôi vội đi tìm Xô để dặn dò anh cẩn thận nhưng Xô đã biết. Gặp Xô tôi chưa nói gì, anh đã cười và nghiêm giọng: "Tôi đi lần này là đi hẳn. Cũng không hy vọng về trại nào khác đâu. Về phần tổ chức, tôi đã trao đổi với đồng chí Hùng, đồng chí ấy hiện là phó bí thư chi đoàn, từ nay sẽ là bí thư thay tôi. Anh biết vậy để có sự liên hệ trao đổi. Tôi đã trao lại cho anh ấy cái áo tù có chữ TP ở sau lưng gọi là lành lặn hơn để mặc giữ gìn sức khỏe còn tiếp tục đấu tranh. Cái áo cũng tạm cho là kỷ vật cuối cùng của tôi. Còn về “đồng hương” nếu còn sống sót trở về thì nhắn giùm quê hương Lạc Vệ - Tiên Sơn và gia đình rằng: Nguyễn Đình Xô này quyết giữ trọn lời hứa trước lúc lên đường chiến đấu. Với Lư - bạn gái tôi, ngày ra đi chúng tôi mới chỉ trầu cau dạm ngõ, trót nặng lời thề hẹn ngày chiến thắng thì bảo hộ cô ấy rằng: “Bạn anh về cũng như anh đã về. Thôi đành lỗi hẹn, mong cô ấy hạnh phúc”.
 
Hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh
 
Ông Nguyễn Văn Thuận, một trong 12 tù nhân bị tra tấn may mắn sống sót không thể quên những giây phút đau đớn ấy: "Tất cả chúng tôi bị chúng đánh đập vô cùng tàn bạo. Riêng anh Xô, bọn cai ngục đặc biệt chú ý, vì chúng biết anh là một chiến sĩ cách mạng, là đoàn viên ưu tú và là người gốc Bắc. Tên Thiếu úy Đỗ Văn Long người dân Bùi Chu Phát Diệm, đi lính cho Pháp rồi di cư vào Nam. Long là tên giám thị khét tiếng Trại giam Phân khu 5 Nhà tù Phú Quốc đã trực tiếp tra tấn Nguyễn Đình Xô. Chúng dùng còng số 8 khóa chân tay Xô vào chân bàn và ghế, dùng những chiếc đinh ghim dài 2 đến 3cm lần lượt đóng từng chiếc vào các đầu ngón tay của Xô. Chiếc thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư… cứ mỗi lần đóng đinh vào một ngón tay chúng lại hỏi: "Có phải mày là lãnh đạo Đảng Cộng sản trong nhà tù không?". Nguyễn Đình Xô cắn răng chịu đựng và chỉ trả lời một từ “không”.   

Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho liệt sỹ Nguyễn Đình Xô
 
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Nguyễn Đình Xô ngã vào lòng đất mẹ với khí phách hiên ngang, bất khuất. Đồng đội, gia đình, người thân đều lấy gương anh học tập, rèn luyện, tu dưỡng... Năm 2016 đã có một cuộc hội thảo về thành tích của Nguyễn Đình Xô và năm 2018 để thể hiện lòng biết ơn và ghi nhận công lao đóng góp và sự hy sinh cao cả của Nguyễn Đình Xô. Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho liệt sỹ Nguyễn Đình Xô. Tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, trưng bày “Lời tri ân” có giới thiệu một số hình ảnh về Nguyễn Đình Xô và nhiều người con kiên trung của dân tộc Việt Nam. Rất mong trong thời gian tới có ngày càng đông du khách đến tham quan, học tập tìm hiểu về Di tích Nhà tù Hỏa Lò và trưng bày “Lời tri ân” để thấu hiểu sâu sắc những hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh đi trước và trách nhiệm của mình với sự hy sinh cao cả đó.

Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...