Nhạc sỹ Đỗ Nhuận với những “Bài ca tranh đấu”

6197
September 27, 2018
Nhạc sỹ Đỗ Nhuận sinh ngày 10 tháng 12 năm 1922 tại thôn Vạc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm lên ba tuổi, ông theo cha ra Hải Phòng, tuổi thơ của ông lớn lên cùng với âm thanh và hình ảnh của thành phố cảng lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ. 
Những năm tháng ấu thơ, ông sống nơi xóm Thị, Lạc Viên, Hải Phòng, được tiếp xúc với những nhân vật kỳ lạ như ông Hai Tây, Thầy đàn cải lương... đó là những người đầu tiên đã đem đến cho cậu bé Nhuận niềm khao khát, đam mê âm nhạc mà ngay lúc đó, Đỗ Nhuận chưa hề nhận ra. Sau này, khi học trung học, được tiếp xúc với âm nhạc và các nhạc cụ như: đàn mangdolin, kèn hacmonica, đàn guitar của phương Tây và những nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam như: sáo trúc, đàn bầu, tình yêu âm nhạc trong ông lại càng bùng lên mãnh liệt. 
Ca khúc đầu tiên “Trưng Vương” được sáng tác năm 1939 khi Đỗ Nhuận mới bước vào tuổi 17, đó là bản nhạc dành tưởng nhớ Hai Bà Trưng, ngay sau đó đã được phổ biến rộng rãi.
Cũng chính lúc đó, Đỗ Nhuận đến với Cách mạng từ lòng yêu nước. Và tài năng âm nhạc của ông đã được khơi chảy. Từ những bài hát mang cảm hứng lịch sử như: Chim than, Lời cha già, Đường lên Ải Bắc là cơ sở để  Đỗ Nhuận đã hoàn thành ca cảnh “Nguyễn Trãi - Phi Khanh” (gồm 3 ca khúc Chim than, Lời cha già, Đường lên ải Bắc), nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã đắm mình trong những ca khúc tỏ bày tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc.
Sau một thời gian tham gia hoạt động cách mạng ở Hải Phòng và một số địa phương như: Lao Cai, Huế..., Đỗ Nhuận về hoạt động tại Hải Dương. Trong một lần treo cờ Đảng và rải truyền đơn tuyên truyền ở cầu Sái, phố huyện Kim Thành, ông bị địch bắt, giam tại xà lim Sở Mật thám và chuyển về Nhà pha Hải Dương.
Cuối năm 1943, Đỗ Nhuận bị địch đưa ra xét xử tại tòa sơ thẩm Hải Phòng và kết án 3 năm tù vì tội treo cờ và vận động Cộng sản, ngay sau đó ông và đồng chí Chi người lãnh đạo trực tiếp cùng bị bắt đã ký giấy chống án, với mục đích muốn được lên Hỏa Lò Hà Nội, là nơi tập trung nhiều nhân vật cách mạng lỗi lạc lúc bấy giờ. 
Ngay sau khi vào cổng Nhà tù Hỏa Lò, Đỗ Nhuận bị kiểm soát kỹ lưỡng của những tên quản chế, sau khi không thấy gì khả nghi ông được cho đi trước, cầm cái bát dừa và đôi đũa cùng đồ vật đã kỳ công cất giấu mang theo, ông đã mừng thầm vì có được thứ quý đối với cuộc sống trong chốn lao  tù. 
Bị đưa về giam tại trại L, tại đây Đỗ Nhuận được gặp đồng chí Trần Cung, biết được ông có nhiều tài như: vẽ, viết văn, đánh đàn, thổi sáo, sáng tác được cả bài hát nên đã giao ngay cho Đỗ Nhuận ra một tờ báo mới trong nhà tù Hỏa Lò. Chuẩn bị tờ nguyệt san cho anh em đọc trong dịp Tết, Đỗ Nhuận đã bắt tay ngay vào việc. 
Công việc chép báo, trình bày báo đã lôi  cuốn Đỗ Nhuận, ông lấy chôn bát ra để mài mực Tàu, lấy đũa làm quản bút rồi viết thử một vài kiểu chữ theo kiểu litô lên mặt giấy thấy mực đen rõ nét. Trang trí minh họa bằng màu sắc anh em tù đã tìm cách bị các bệnh để được ra cấp thuốc, màu đỏ lấy từ thuốc đỏ, màu vàng làm bằng thuốc ký ninh, màu xanh từ thuốc quinobleu làm cho tờ báo bắt mắt hơn.
 
 
Trại giam L - Nhà tù Hỏa Lò
 
Sau nửa tháng, tờ “Xuân tù” của trại L ra đời, anh em chuyền tay nhau đọc, ai không biết chữ thì ngồi nghe. Trong thời gian ở trại L, Đỗ Nhuận có vai trò trong việc cải thiện đời sống văn hoá tinh thần của anh em tù chính trị. Vào thời gian rảnh rỗi, Đỗ Nhuận thường dạy hát, các bài hát sử dụng trong nhà tù cũng là những bài hát ca ngợi cách mạng, có tác dụng cổ vũ tinh thần đấu tranh của anh em tù chính trị.
Sinh hoạt tại trại L được một thời gian, Đỗ Nhuận đã đề nghị đồng chí Trần Cung sang trại giam D (trại giam lớn của nhà tù). Để sang được trại D, Đỗ Nhuận lợi dụng khoảng thời gian lính canh mở cửa cho tù nhân đi lấy thuốc, khi tù nhân ra vào lính canh không cần ghi số tù mà chỉ đếm đầu người. Số người bên trại lớn lúc nào cũng đông hơn trại L, lợi dụng lúc đang phát thuốc, lính gác không để ý, Đỗ Nhuận đã đề nghị anh Ban đổi về trại L còn Đỗ Nhuận chuyển sang trại D không quên mang theo bát gáo dừa và đôi đũa.
Sang trại D, một traị tập trung nhiều tù chính trị có kinh nghiệm là đảng viên và uy tín trong hoạt động như đồng chí Đỗ Mười và cùng đồng chí Đào Duy Kỳ viết chung bài hát động viên, khích lệ tù nhân “Tiếng gọi tù nhân”; sáng tác vở “Cô gái Lam Hồng”, và bài “Tiễn quân lên đường” được ông viết theo điệu hát Hướng đạo.
 
 
Trại giam D - Nhà tù Hỏa Lò
 
Để có thêm nhạc cụ biểu diễn, Đỗ Nhuận đề nghị làm một cây Tiêu, đồng chí Đỗ Mười đồng ý và phân công một người trèo nhanh, nhân lúc ra sân tắm, vắng mặt quản đề lao, trèo lên cây, chọn bẻ một cành bàng thẳng. Có được cành bàng, Đỗ Nhuận kỳ công dùng lưỡi dao cạo bổ dọc cành bàng, khoét rỗng ruột, phơi khô, gọt nhẵn sau đó gắn hai mảng lại bằng đường trộn vôi, có quấn chỉ quanh ống và dùng lưỡi dao trổ quét lỗ. 
Ban nhạc của Nhà tù Hỏa Lò biểu diễn gồm vở kịch thơ của Vương Gia Khương “Chiến sỹ và Hằng Nga”, vở “ Cô gái Lam Hồng” của Đào Duy Kỳ, và vở ca cảnh “Nguyễn Trãi - Phi Khanh” của Đỗ Nhuận được diễn khắp lượt trong traị giam.
Khi được tin đồng chí Hoàng Văn Thụ vừa bị đưa ra xét xử tại toà án quân sự và bị kết án từ hình. Buổi tối hôm đó, Đỗ Nhuận đã dùng chiếc tiêu mới được làm thổi diệu “Tiêu buồn” và thổi tiêu đệm bài “Chặt Xiềng” để động viên, khích lệ ý chí chiến đấu của  Hoàng Văn Thụ.
Đỗ Nhuận bị đưa ra xét xử lần hai, tòa đã tuyên án 3 năm tù về tội công khai tuyên truyền cộng sản ngay tại tòa thượng thẩm. Cùng thời gian đó địch chuẩn bị hai cuộc chuyển tù “công - voa”. Điểm danh sách traị D những người có án  7 năm đến 20 năm khổ sai thì đi Côn Đảo có đồng chí Đào Duy Kỳ, Thành Ngọc Quản, Phan Trọng Tuệ…, từ 7 năm trở xuống thì đi Sơn La có Đỗ Nhuận cùng đồng chí Vương Gia Khương, Ban…
Một buổi sáng đầu xuân 1944, từ Nhà tù Hỏa Lò Đỗ Nhuận bị địch đưa đi đày tại Sơn La cùng khoảng hơn 100 tù chính trị. Với hành trang của người tù cộng sản là lòng kiên trung, nhiệt huyết cách mạng, tâm hồn sáng tác tiếp tục những bài ca tranh đấu.
 
 Dương Thanh Hùng -  Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm
Tổng hợp và biên soạn 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...