Mùa xuân về trong trại giam nữ

2889
January 30, 2017
Cách đây hơn 70 năm về trước trong trại giam nữ chiến sỹ yêu nước, cách mạng tại nhà tù Hỏa Lò tuy không có bánh chưng xanh, hoa đào thắm nhưng những ngày Tết vẫn được chị em trong Ban phụ trách chuẩn bị chu đáo đón xuân sang, tết đến giúp nhau vơi đi nỗi nhớ gia đình, quê hương và nỗi buồn thấm thía vào cuộc sống giam cầm, tạo niềm tin, hy vọng vào ngày mai tươi sáng.
Các tiểu ban được động viên toàn lực lo vật chất, tinh thần cho ngày Tết: người soạn kịch, người đóng vai tập diễn, tập hát, người lo vật liệu trang trí, người chuẩn bị lo vật chất cho bữa liên hoan… Tất cả đều rộn ràng đón năm mới.
Ngoài ra chị em còn dạy nhau những bài hát, bài thơ hay. Thơ rất nhiều, chúng tôi chỉ còn nhớ được vài bài mà nội dung nhạc điệu đã thấm vào tâm hồn như Đón gió xuân:
Dưới gốc bàng vui đón gió xuân
Về đông an ủi khách phong trần
Đường xưa ngoảnh lại say lưu luyến
Bạn cũ trông vời nặng mến thân
Búp non điểm tươi cành cổ thụ
Ánh hồng viền thắm lớp phù vân
Lòng son dào dạt nguồn tin tưởng
Trở lại sa trường với cố nhân!...
 
 
Cây bàng trong sân Nhà tù Hỏa Lò
 
Chị em không có ai là nghệ sỹ nhưng khi còn ở ngoài được xem kịch, chèo…Một số đã đọc sách báo tiến bộ nên các chị đã học được cách diễn đạt các nội dung yêu nước tiến bộ chống đế quốc, tố cáo chế độ nhà tù, phê phán thủ tục lạc hậu, phong kiến, dựa vào đấy các chị soạn những vở kịch chèo để diễn nội bộ cho chị em tù chính trị và diễn công khai cho chị em tù thường phạm xem.
 
Trại giam Nữ - Nhà tù Hỏa Lò
 
Tối 30 Tết năm 1944, các chị đã diễn nội bộ một kịch thơ: Táo quân lên thiên đình. Chị Thái, chị Được, chị Vân xây dựng kịch bản và đạo diễn. Các vai Ngọc Hoàng - chị Huyền, tiên nữ - chị Sinh và chị Nhạn, chị Dung, Táo ông - chị Hải, chị Được, Táo bà - chị Mỹ và hai lính gác triều đình. 
 
      
Đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái, Phạm Thị Vân, Bùi Thị Kim Nhạn
tham gia vở kịch “Táo quân lên thiên đình”
 
Chúng tôi nhờ các viên chức có cảm tình mua giúp các thứ, nhắn gia đình gửi đồ vào với mấy áo dài, giấy mầu các loại, giấy trang kim, giang chẻ lạt... Chị em làm đủ giầy, mũ xiêm y cho Ngọc Hoàng, Tiên nữ, Táo quân, có cả cá chép cho hai táo quân cưỡi lên thiên đình. 
Vở kịch có ba hồi: Táo bà tiễn hai táo ông đi; Ngọc Hoàng nghe tiên nữ ca hát; Hai táo ông vào chầu tâu trình công việc. Để đủ vai kịch và khán giả xem. Chiều 30 Tết chị em ở buồng nhỏ chuyển sang buồng lớn, người ở buồng lớn phải chui bớt xuống gầm sàn, người còn lại ở buồng nhỏ phải đứng đầy ra cửa để không để đầm gác phát hiện số người thiếu vắng. 
Đúng 19h buổi biểu diễn bắt đầu, diễn viên, khán giả chúng tôi được một tối cười quặn ruột, chảy nước mắt, có chị ướt cả quần vì cười. Chúng tôi đến nay vẫn chưa quên hình ảnh một táo bà, hai táo ông đội mũ cánh chuồn, mặc áo dài lụa, tất cả đều được trang trí hoa văn óng ánh như áo mũ của nhân dân cũng tiễn ông táo vào ngày 23 tháng Chạp. Cả ba ông bà Táo không có quần dài chỉ có quần đùi vì nhân dân không cúng quần, hai táo ông cưỡi hai con cá chép vàng, mắt bạc. Khi táo ông vào chầu các tiên nữ phải lấy quạt che mặt….Táo quân phải lấm lét kéo áo để khỏi hở đùi trước mặt Ngọc Hoàng, Tiên nữ - Bản tấu trình của Táo quân rất dài, báo cáo về tình hình của trại giam nữ trong một năm vừa qua. 
Lại Thị Minh Thu, Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...