Nhớ về cuộc vượt ngục “thần kỳ” tháng 3/1945 (Phần 1)

2362
March 30, 2017
Hơn 70 năm đã trôi qua nhưng cuộc vượt ngục “thần kỳ” tháng 3/1945 của hơn 100 tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò để trở về với phong trào cách mạng vẫn luôn chứa đựng nhiều câu chuyện lì kỳ, hấp dẫn. Những câu chuyện ấy đã được tái hiện sinh động qua những trang hồi ký của những đồng chí đã tham gia vượt ngục năm ấy.
 
Đồng chí Tạ Quốc Bảo, Trưởng Ban Liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại
Nhà lao Hỏa Lò cùng thân nhân các cựu tù chính trị tham gia vượt ngục Hỏa Lò, tháng 3/1945
dâng hương tại Đài tưởng niệm di tích Nhà tù Hỏa Lò, năm 2015
 
Tối ngày 9/3/1945, nhân sự kiện Nhật - Pháp bắn nhau, anh em tù chính trị bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ. Từ các phòng giam, anh em đã tập hợp nhau lại, trao đổi ý kiến và nhận định đây là thời cơ có một không hai, cần tranh thủ tình hình còn rối ren, Nhật chưa đứng vững chân, tổ chức của chúng còn rời rạc, lỏng lẻo, nên khẩn trương tạo cơ hội vượt ngục bằng một trong hai cách “thăng thiên” hay “độn thổ” (treo tường hay chui cửa cống ngầm). 
Hai giờ sau, lính Nhật vào thay gác cho lính Pháp. Sĩ quan Nhật cùng với bọn thông ngôn đi vào từng trại giam tù chính trị, vừa thăm dò thái độ của anh em, vừa tìm bọn tay chân  tin cậy của chúng. Khi vào trại giam tù chính trị, tên sĩ quan Nhật nói: "Bây giờ người Nhật đã đánh bại quân Pháp, giúp nước Việt Nam được độc lập rồi, mai sẽ thả các anh ra, các anh có hoan hô người Nhật không?". Tù chính trị vẫn ngồi yên, không tỏ thái độ gì. Anh em tù chính trị đều hiểu rõ bản chất của những kẻ xâm lược. Một đồng chí nói với tên sĩ quan Nhật: "Các ông nói sáng mai sẽ thả chúng tôi, vậy yêu cầu các ông cho mở cửa thông ra các trại E, lô cốt và trại G để chúng tôi tiện gặp mặt, trước khi chia tay nhau về quê quán", hắn đồng ý.
 
 
Thiếu tướng Trần Tử Bình, tù chính trị nhà tù Hỏa Lò 
(giai đoạn 1930 -1945)
 
 “Sớm ngày 10 tháng 3, khi ánh ban mai còn mờ mờ sau hàng chấn song cửa xà lim, bắt đầu một ngày mới trong nhà tù thì tôi cũng bắt đầu dần dần nhận thấy rất nhiều sự thay đổi mà trước kia chưa từng có trong Hỏa Lò. Tất cả các quy định, chế độ thường lệ như đi tuần, giám thị gọi tên, điểm số tù v.v... đều không thấy có. Bọn Pháp từ chúa ngục, giám thị tới lính canh, viên chức đều bị giam vào trong một buồng (ngay lối cửa vào buồng giam tôi) cùng với một số Tây, đầm ở nơi khác mới bị bắt đưa đến. Mới chưa được một đêm mà chúng nó mặt cắt không còn hột máu, phờ phạc, hốc hác, đứa cầu kinh, đứa rên rỉ khóc lóc, đến là thảm hại! Các giám thị cai ngục, viên chức người Việt cũng bỗng nhiên mất hết vẻ bình thường hàng ngày. Họ không cười cũng không dám nói to, tránh mặt cả tù lẫn Nhật” (trích hồi ký của Thiếu tướng Trần Tử Bình).
Ngoài ra, bọn Nhật đã chấp nhận yêu cầu của anh em tù chính trị, không khóa một số cửa, để anh em đi lại giữa các trại dài, trại lô cốt, trại D và chỉ canh gác bốn lô cốt ở bốn góc nhà tù Hỏa Lò, cửa chính và cửa ngăn khu trong với khu ngoài. Đây là điều kiện thuận lợi để anh em tù chính trị dễ dàng lợi dụng chạy sang khu vực tù thường. (Còn tiếp)
 
Lại Thị Minh Thu, Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...