Lòng nhân ái của Bác

4902
May 15, 2017
Tháng Năm về, cả dân tộc lại bồi hồi nhớ Người, vị Cha già kính yêu của nhân dân Việt Nam. Ở Bác, chúng ta thấy được tấm lòng bao dung, yêu thương con người, là người luôn vì người khác; lòng nhân ái của Người còn được thể hiện ngay cả với những người từng là kẻ thù, khiến họ vô cùng kính trọng. 
Năm 1950, ta giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Biên giới, bắt được nhiều tù binh Pháp, trong đó phải kể đến 2 sỹ quan chỉ huy binh đoàn của Pháp là: Trung tá Maurice Le Page và Đại tá Pierre Charton. Bác đã chỉ thị cho những cán bộ chịu trách nhiệm quản lý tù binh phải đối xử nhân đạo với họ.
 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại mặt trận Đông Khê, trong Chiến dịch Biên giới, năm 1950
 
Trong quá trình dẫn giải tù binh về đơn vị bộ đội địa phương chờ ngày trao trả, các đồng chí của ta vừa phải mang vác tài liệu thu được của địch, vừa gồng gánh nồi niêu xoong chảo lại còn đèo bòng 15 “Ông Tây” to lớn nên rất lúng túng. Đồng chí liên lạc hiến kế “lột giầy, tất treo lên cổ tù binh là hắn hết chạy trốn dọc đường”, thấy hợp lý các đồng chí bộ đội thực hiện ngay. Đoàn về qua Nà Lạn, gần Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới, Bác trông thấy một tù binh áo rách tả tơi, Bác bảo đồng chí phục vụ lấy một cái áo trong ba-lô đem ra cho anh ta mặc.
Sau đó Bác gọi đồng chí Cao Pha - Trưởng ban quân báo đến bảo: “Sao chú cho lột giày tù binh rồi treo lên cổ họ? Đối với người phương Tây, không có giầy dép họ đi lại rất khó khăn, khổ sở. Nếu sợ tù binh chạy trốn thì chí ít chú phải cho họ đi tất chứ!”. Bác dặn phải chăm sóc tù binh, chữa vết thương, cho ăn uống chu đáo, đối xử như người dân của Pháp. Chính vì vậy y tá của ta chăm sóc họ rất tận tình. 
Khi trao trả tù binh bị thương cho Pháp, một thương binh nằm trên cáng xin được ở lại đi chuyến sau và xin được gặp  sỹ quan quân đội Việt Nam phụ trách việc trao trả tù binh và nói: “Tôi suốt đời sống cô đơn, xung quanh tôi chỉ là sự lừa gạt. Tôi căm ghét tất cả, kể cả đàn bà đẹp. Vì thế tôi vào lính lê dương để bắn giết, để trả thù đời. Đêm hôm qua tôi không ngủ. Tôi kêu khát năm lần. Cả năm lần cô y tá đều mang nước đến cho tôi với vẻ mặt dịu hiền. Tôi hỏi cô vì sao cô không căm ghét tôi? Cô trả lời: “Nếu gặp anh ngoài mặt trận, tôi sẽ bắn anh. Nhưng ở đây, anh là kẻ bại trận, anh đã bị thương, chúng tôi đối xử với anh như những con người”.
 Hai viên sỹ quan Pháp là Trung tá Maurice LePage và Đại tá Pierre Charton được tiếp xúc với Bác, qua cách cư xử của Người, họ đã thốt lên những câu cảm kích, kính trọng Bác, dù họ chỉ biết “Ông cụ này là Cố vấn cấp cao, Việt kiều ở Pháp về nên nói tiếng Pháp như người Pháp”.
 
 
Thủ tướng Pháp Georges Bidault tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cửa dinh Thủ tướng 
và bắt tay chào tạm biệt, ngày 02/7/1946
 
Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta bắt được một nữ y tá tên Geneviève de Galard. Biết tin, Bác Hồ chỉ thị cho bộ đội trao trả cô này ngay trong đợt đầu khi trao trả tù binh thương binh cho phía Pháp.
Chính cách cư xử của Bác đã lay động sâu sắc đến tình cảm của nhiều người, trong đó có những người từng là kẻ thù, từng tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam… họ đã quay sang ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta thời kỳ chống Mỹ sau này, đặc biệt là những phi công Mỹ đã bị quân dân ta bắt làm tù binh. 
Vào những dịp lễ Giáng sinh, Ban chỉ huy trại giam tù binh phi công đã cho chăng đèn kết hoa rực rỡ, có ông già và cây thông Nô-en, có cả Chúa hài đồng nằm trong máng cỏ, để cho các tù binh Mỹ được chúc mừng năm mới và cầu Chúa ban phước lành. Trong bữa ăn ngày Nô-en, họ còn được thưởng thức mỗi người một đĩa thịt ngỗng quay, (món ăn truyền thống của người Mỹ trong dịp mừng Chúa giáng sinh). Điều đó đã khiến họ rất ngạc nhiên và thú vị. Về sau, họ được biết đây là theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người từng đi nhiều nơi trên thế giới, am hiểu phong tục tập quán của nhiều nước, nhiều dân tộc, cộng với lòng nhân ái sâu sắc, Bác Hồ rất quan tâm nhắc nhở cán bộ làm công tác quản lý tù binh phải luôn luôn đối xử tử tế với những viên phi công Mỹ bị ta bắt, tạm giam và chờ ngày trao trả.
 
 
Anh hùng phi công Phạm Tuân nói chuyên với một phi công Mỹ khi bị bắt làm tù binh
 
Và cũng chính cách cư xử nhân đạo của Bác Hồ đối với tù binh nên nhiều phi công Mỹ bị bắt đã hiểu được cuộc chiến đấu của nhân dân ta, họ đã trở thành người tích cực ủng hộ Việt Nam.
 
 
Bác sỹ Việt Nam đang băng bó vết thương cho tù binh phi công Mỹ
 
Hồ Chủ tịch là như vậy, với tấm lòng yêu thương, vị tha, luôn muốn mọi người đều có ích cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc; Người luôn dùng tình cảm thuyết phục, không bao giờ nặng lời với bất cứ ai, kể cả kẻ thù khi họ đã đầu hàng.
Chúng ta học ở Bác là từ những điều bình thường, giản dị nhất. Học và làm theo tư tưởng, đạo đức của Bác không bao giờ là đủ.
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Trưng bày, Tuyên truyền
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...