3 điều đặc biệt trong cuộc đời Trung tướng Lê Hiến Mai (phần 1)

4527
June 15, 2017
Phần 1: Người chép lược sử Đảng trong tù
Trung tướng Lê Hiến Mai, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, nguyên giám đốc Học viện chính trị Quân sự, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương binh và xã hội luôn được nhớ đến với 3 điều đặc biệt trong cuộc đời đó là: Người chép cuốn lược sử Đảng cộng sản Đông Dương trong tù; Người vinh dự được Bác Hồ đặt tên và cũng là người được Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ - làm mai mối.
Trung tướng Lê Hiến Mai tên thật là Nguyễn Văn Phường, sinh ngày 23/11/1918, quê ở xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây cũ (nay là xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Sinh ra trong một gia đình trung nông khá giả, nhưng sớm chịu cảnh mồ côi cha khi mới tròn 4 tuổi, ông được người bác chăm sóc, nuôi dưỡng đến năm 18 tuổi, sau đó ông đi dạy học tự kiếm tiền nuôi sống bản thân.
Năm 1939, ông có một may mắn được gặp nhà cách mạng Phan Trọng Tuệ, được giác ngộ cách mạng và nhận được sự dìu dắt của đồng chí Phan Trong Tuệ, từ đây, cuộc đời ông rẽ sang một con đường mới: đi làm cách mạng.
Năm 1941, trong một lần đi gây dựng cơ sở hoạt động,  ông bị đế quốc Pháp bắt. Chúng giam  ông ở Sơn Tây, sau đó đưa về Hà Nội. Năm 1942, ông bị đày lên Sơn La. Tại  đây, ông được gặp các bạn tù là: Song Hào, Trần Thế Môn, Nhị Quý, Lê Trung Đình… Mặc dù bị giam cầm trong điều kiện khắc nghiệt, các đồng chí luôn khắc phục khó khăn, vượt qua hoàn cảnh, giữ vững tinh thần cách mạng. 
 
 
Nhà tù Sơn La, nơi  ông Lê Hiến Mai từng bị giam
 
Nhân dịp kỷ niệm 12 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Đông Dương (3/2/1942), chính tại Nhà tù Sơn La, ông Phường được anh em tù nhân tín nhiệm chọn là người chắp bút, chép lại lịch sử hình thành và phát triển của Đảng. Các bạn tù đã gom được 50 mẩu giấy do cơ sở cách mạng bên ngoài gửi vào, chuyển cho ông Phường. Vốn tính cẩn thận, cộng với một chút khéo tay, ông đã khâu những mảnh giấy đó thành một cuốn sổ con xinh xắn, với kích thước 7 x 9cm. Và cuốn sổ đó, ông đã giành để chép lịch sử Đảng. 
Mỗi ngày, ông tranh thủ chép một ít. Phòng giam tối tăm, ông đã phải dò từng chữ cho đến khi hoàn thiện cuốn lược sử Đảng,  ông chuyển tới Chi bộ để chỉnh sửa. Các bạn tù rất cảm phục lòng kiên trì của ông, thật đúng là: "Có công mài sắt, có ngày nên kim".
 
Cuốn lược sử Đảng cộng sản Đông Dương được ông Lê Hiến Mai
viết trong thời gian bị giam tại Nhà tù Sơn La
 
Giờ đây, cuốn lược sử Đảng mà ông Lê Hiến Mai viết trong Nhà tù Sơn La đã trải qua 75 năm, thời gian đã làm góc sổ sờn, đôi chỗ giấy đã mủn nhưng những nét chữ rắn rỏi, viết bằng mực xanh vẫn còn rõ, thẳng hàng và đều tăm tắp, không một vết tẩy hay gạch xóa. Đặc biệt, nội dung được ghi chép trong cuốn sổ đó là lược sử sự hình thành và phát triển của Đảng cộng sản Đông Dương trong suốt 12 năm kể thừ khi thành lập. Chỉ với 50 trang giấy,  ông Lê Hiến Mai đã ghi chép lại một cách khái quát nhưng đầy đủ nhất về một giai đoạn quan trọng của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là những thông tin quý báu giúp cho việc biên soạn Biên niên lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Ngày 11/10/1944, ông cùng 12 người bạn tù được đồng chí Song Hào tổ chức vượt ngục thành công. Cuốn sổ được  ông giữ làm kỷ niệm và luôn mang theo trong suốt thời gian công tác tại Việt Bắc, dùng làm tài liệu học tập tuyên truyền.
Tháng 8/1967, khi được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương, trong một lần tới thăm Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam), ông đã trao tặng bảo tàng cuốn lược sử Đảng cộng sản Đông Dương do chính tay ông chép trong Nhà tù Sơn La năm nào.
Tổng hợp và biên soạn: Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...